Huyện Khoái Châu có đất đai màu mỡ, hệ thống sông, hồ bao quanh, khí hậu ôn hòa với hơn 8.800 ha đất nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Qua tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, các hộ nông dân đã nắm bắt được chủ trương, quy định về trình tự, thủ tục về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt việc lựa chọn cây trồng phù hợp với trình độ thâm canh, điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương... bằng hình thức chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Do vậy, diện tích trồng cây ăn quả của huyện hằng năm tăng nhanh; đến nay đạt hơn 3.900 ha, tăng khoảng 1.000 ha so với năm 2015. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, gắn với nhu cầu của thị trường.
Xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu trong quá trình chuyển đổi cây trồng, xã công khai vùng quy hoạch tập trung, cây trồng chủ lực tại vùng chuyển đổi để nhân dân nắm bắt. Các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thành niên xã tuyên truyền, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình, tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Đến nay, toàn xã Tứ Dân có hơn 220 ha trồng cây ăn quả, 36 ha trồng cây cảnh.
Anh Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Mạn Xuyên, xã Tứ Dân, cho biết: Được địa phương tạo điều kiện, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 20 mẫu cây cam đường canh theo quy trình VietGAP và 5 mẫu hoa đào, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi thu nhập hơn 3 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao hiệu quả của các diện tích chuyển đổi, huyện Khoái Châu tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.100 ha diện tích trồng trọt được cấp chứng nhận VietGAP; có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: Nhà lưới, nhà màng; máy sấy, kho lạnh bảo quản nông sản... Huyện đã hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực của huyện, như: Nhãn chín muộn ở xã Hàm Tử, chuối tiêu hồng xã Tứ Dân, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân..., nhờ đó, giá trị thu được đạt từ 250 triệu đồng/ha/năm.
Việc xây dựng nhãn hiệu cho nông sản chủ lực, xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP đã từng bước thay đổi tư duy, trình độ sản xuất, cách thức tổ chức sản xuất của nông dân theo hướng sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả kinh tế cao, bước đầu tạo ra sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Anh Phạm Đức Long, Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều cho biết: Để phát huy hiệu quả trồng nhãn, hợp tác xã tích cực vận động thành viên chuyển đổi sang trồng các giống nhãn chất lượng, đặc sản. Toàn bộ diện tích nhãn của hợp tác xã được sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhãn quả VietGAP có mã đẹp, quả đều, chi phí sản xuất giảm 10% so với sản xuất truyền thống, năng suất cao hơn từ 15% trở lên. Ngoài ra, nhãn quả VietGAP được thương lái tới tận vườn thu mua, giá bán cao hơn khoảng 20% so với thị trường do đáp ứng được mẫu mã và chất lượng.
Thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tạo điều kiện hình thành phát triển các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện Khoái Châu có nhiều vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực như: Vùng trồng nhãn ở các xã: Hàm Tử, Bình Kiều, An Vĩ, Đông Kết; vùng trồng chuối ở các xã: Tứ Dân, Tân Châu, Đại Tập; vùng trồng cây có múi ở các xã: Đông Tảo, Dạ Trạch, Phùng Hưng, Dân Tiến; vùng sản xuất cây cảnh ở các xã: Bình Minh, Đông Tảo... Hiện tại, nhiều mô hình chuyển đổi đã có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua các mô hình hợp tác xã như: Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nhãn tại Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều, Hợp tác xã nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử; liên kết sản xuất, tiêu thụ các loại cây có múi tại Hợp tác xã nông sản Phú Quý, xã Tân Dân... Thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Khoái Châu đã triển khai cho các xã, thị trấn đăng ký ghép cải tạo nhãn bằng các giống nhãn đặc sản của tỉnh Hưng Yên. Riêng năm 2023, toàn huyện có khoảng 2 ha diện tích ghép cải tạo nhãn được hỗ trợ theo chương trình của tỉnh Hưng Yên.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu Lưu Quang Phúc, cho biết: Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân; khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất để tạo ra các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Huyện chú trọng mở rộng diện tích và đa dạng hóa các loại cây ăn quả; ổn định diện tích cây nhãn, cây có múi theo định hướng của tỉnh. Huyện phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ; tham gia sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện. Cùng với đó, huyện đang tích cực chuyển đổi đất trồng lúa, trồng cây kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các địa phương có tiềm năng như ở các xã: Bình Minh, Đông Tảo, Tứ Dân; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tại các xã: Chí Tân, Đại Hưng, Thuần Hưng, Tân Dân... Huyện ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông tạo thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp vận chuyển vật tư, sản phẩm và các hoạt động du lịch sinh thái vườn; gắn kết với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp... ■