Quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP của huyện Lý Nhân đã đạt kết quả tích cực. Các địa phương, hộ gia đình, cơ sở sản xuất đã tích cực nghiên cứu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã hàng hóa cho bắt mắt; đồng thời quan tâm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún phát triển lên quy mô lớn hơn. Hầu hết các sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh đã được phát triển cả về quy mô, chất lượng, thị trường tiêu thụ, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Đến nay, toàn huyện có chín sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu được công nhận OCOP. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP phát huy tốt thế mạnh, hiệu quả như: bún, phở khô Hợp Lý; giò lụa, xúc xích, giăm bông, lạp xường, tỏi đen Linh An xã Công Lý… Đặc biệt, sản phẩm trà đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã dược thảo Minh Đức, xã Công Lý được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao từ năm 2020 đến nay, đã có bước phát triển mới. Từ hai đại lý chính tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) và tỉnh Bắc Ninh, đến nay hợp tác xã đã phát triển được bảy đại lý ở trong và ngoài tỉnh.
Nhờ có chứng nhận OCOP, sản phẩm được bán trên các trang thương mại điện tử, fanpage, sản lượng sản xuất và doanh thu tăng 30% so với trước do được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận nhiều hơn. Phó Giám đốc Hợp tác xã dược thảo Minh Đức Đỗ Thị Phương chia sẻ: “Khi mỗi sản phẩm được chứng nhận OCOP và xếp hạng 3 sao, 4 sao đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã được cơ quan chức năng kiểm định và bảo đảm chất lượng, tạo niềm tin hơn với khách hàng.
Đây cũng là một trong những điều kiện bảo đảm để hợp tác xã tham gia rất nhiều các hội chợ, trưng bày, quảng bá của nhiều cấp, ngành cả trong tỉnh, khu vực và quốc gia là dịp để sản phẩm tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. Tại mỗi sự kiện hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hợp tác xã tiêu thụ lượng sản phẩm trà đông trùng hạ thảo đáng kể và mở rộng lượng khách sử dụng thường xuyên”.
Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: “Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Lý Nhân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân, cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế; đồng thời, hướng dẫn các chủ thể có các sản phẩm đăng ký ý tưởng tham gia Chương trình OCOP. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng xây dựng ý tưởng tham gia Chương trình OCOP, tạo điều kiện để các cơ sở, hộ sản xuất tham gia những chương trình kết nối cung-cầu, hội chợ thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP”.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu năm 2024 có thêm từ 25-30 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; đồng thời duy trì, củng cố, nâng cấp 50% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; có ít nhất 50% số chủ thể OCOP tham gia các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…). Để việc thực hiện Chương trình OCOP được đồng bộ, hiệu quả, tỉnh Hà Nam đã có Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 30/10/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hà Nam năm 2024. Theo đó, các địa phương tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia chương trình; duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP các cấp; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết: Sở bám sát mục tiêu Chương trình OCOP tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để các địa phương triển khai thực hiện. Sở chủ động và phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao và căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới.