Sau 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Hà Nội đúc rút kinh nghiệm để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này ngày một hiệu quả hơn.
Nghiêm túc thực hiện cam kết với UNESCO
Ðúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có một sự kiện quan trọng với Thủ đô Hà Nội: Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Di sản Hoàng thành đáp ứng được ba tiêu chí, gồm: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động. Vào thời điểm được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, khu di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn còn khá xa lạ với người dân, do chưa mở cửa đón khách tham quan, nhưng đến nay, đang trở thành một "dấu son", không chỉ trên bản đồ di sản, mà còn trên bản đồ du lịch của Thủ đô.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Trần Việt Anh cho biết, sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, TP Hà Nội đã phối hợp các cơ quan thực hiện nghiêm túc những cam kết của Chính phủ với UNESCO, nhất là thực hiện nghiên cứu khoa học, bảo tồn sự an toàn của di sản, các giải pháp phát huy giá trị… Ðối với việc nghiên cứu khoa học, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật trên diện tích 8.000 m2. Những cuộc khai quật giúp các nhà khoa học không chỉ khẳng định đây là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ.
Một trong những phát hiện lớn nhất qua các cuộc khảo cổ là các nhà khoa học đã dần hình dung được tổ chức cung điện, hình thái kiến trúc thời Lý - triều đại đầu tiên định đô tại Thăng Long. Lâu nay, do thiếu tư liệu cho nên người Việt, kể cả các nhà nghiên cứu thường hình dung kiến trúc đời Lý dựa trên kiến trúc cổ truyền thường thấy ở làng quê Bắc Bộ. Ðó là hệ khung giá đỡ mái kiểu "kẻ chuyền". Nhưng với những phát hiện khảo cổ, cộng với các tư liệu khác, Tiến sĩ Bùi Minh Trí khẳng định kiến trúc hệ mái đời Lý là loại kiến trúc gỗ có hệ khung giá đỡ mái là hệ đấu củng. Ðây là loại kết cấu đỡ mái gồm "đấu" đóng vai trò như bệ đỡ, còn "củng" giống hình khuỷu tay, đóng vai trò tay đỡ. Hình thái kiến trúc khác hẳn so với kiến trúc thường thấy ở làng quê Bắc Bộ. Hình thái kiến trúc này tương đồng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng kiến trúc lại có nét riêng, kết hợp hài hòa với ảnh hưởng của văn hóa Chiêm Thành.
Song song với khai quật khảo cổ, làm rõ thêm về Hoàng thành Thăng Long qua các đời, TP Hà Nội đã thực hiện hợp tác với các nước: Nhật Bản, Pháp… trong nghiên cứu về di sản này. Từ năm 2013, Hoàng thành Thăng Long thực hiện mở cửa đón khách. Ðến nay, mỗi năm di tích thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản, nhất là các chương trình giáo dục di sản, gắn với Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tết Ðoan ngọ, ngày Di sản Văn hóa… Mới đây nhất, đơn vị này đưa vào khai thác tua du lịch Giải mã Hoàng thành Thăng Long vào buổi tối.
Bảo tồn bền vững
Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong thời gian qua, nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long vẫn còn những hạn chế nhất định như: Các đơn vị liên quan chưa bàn giao hết toàn bộ tài liệu, hiện vật, việc giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành cho nên chưa thể thống nhất quản lý. Ðồng thời, thành phố cũng cần một cơ chế, chính sách phù hợp để cân bằng giữa bảo tồn với khai thác kinh tế, làm sao để Hoàng thành gắn bó với người dân. Tại Hội thảo Khoa học quốc tế "10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long", nhiều nhà khoa học đã đề xuất những ý kiến tâm huyết để giải những "bài toán" này. Phó Giáo sư Ðặng Văn Bài, Hội đồng Di sản quốc gia cho biết: "Việc bảo tồn di sản ngày nay phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Về xã hội, là tạo lập các cơ sở pháp lý và khoa học để di sản tồn tại ngay trong đời sống, hòa vào không gian văn hóa. Về kinh tế, là không chỉ bảo tồn mà biến di sản thành động lực cho phát triển, trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế; về môi trường, là biến di sản thành bộ phận hữu cơ của môi trường thiên nhiên, môi trường sống, tận dụng ưu thế môi trường thiên nhiên để tôn vinh giá trị di sản văn hóa. Nếu thực hiện những giải pháp này, chúng ta có thể yên tâm bảo tồn di sản một cách bền vững".
Di sản Hoàng thành Thăng Long chủ yếu là phế tích kiến trúc. Nhưng xưa kia, gắn với các kiến trúc là các hoạt động mang tính cung đình. Ðó chính là những di sản văn hóa phi vật thể. Thí dụ như những lễ hội, các nghi lễ cung đình như thể thức thi đình (điện thí), ban yến…, hay trang phục cung đình. Sau 10 năm được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng một số di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ trồng, hạ cây nêu, lễ thả cá chép trong Tết Táo quân, Lễ tiến tịch… Ðồng thời, tổ chức các hoạt động giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống đến công chúng. Song, những hoạt động này còn nhỏ lẻ, một số hoạt động chưa xứng tầm. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu phục dựng tốt hơn nữa, các di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành những hoạt động hấp dẫn khách du lịch.
Nhiều nhà khoa học đề xuất các cơ quan, ban, ngành cần khẩn trương phối hợp với TP Hà Nội để thống nhất công tác quản lý, phục dựng điện Kính Thiên, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Giang Nam