Khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch Hậu Giang

Du lịch là một trong bốn trụ cột được tỉnh Hậu Giang định hướng phát triển, cùng với công nghiệp, nông nghiệp, thương mại. Mặc dù tỉnh đã có những nỗ lực, nhưng ngành này vẫn còn nhiều hạn chế; cần có giải pháp xây dựng và khai thác hiệu quả các sản phẩm để xứng với tiềm năng.
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh. (Ảnh HIỀN THANH)
Trải nghiệm du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh. (Ảnh HIỀN THANH)

Với vị trí tiếp giáp thành phố Cần Thơ và nằm trên trục tuyến xuyên tâm kết nối Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau-Kiên Giang, Hậu Giang có tiềm năng và thuận lợi trong phát triển du lịch. Nổi bật là cảnh quan, sinh thái sông nước gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hệ sinh thái nông nghiệp cùng những cánh đồng lúa, vườn cây trái bao la, yên bình; những làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực phong phú và các di tích lịch sử, lễ hội văn hóa, đặc biệt là không gian văn hóa tiêu biểu Chợ nổi Ngã Bảy, kênh xáng Xà No…

Tỉnh đã hình thành và phát triển các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp. Đồng thời, Hậu Giang sở hữu 17 di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, thích hợp phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử. Ngoài ra, không thể không kể đến một số công trình văn hóa tôn giáo (Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Quan Đế miếu, nhà thờ Vị Hưng...); lễ hội văn hóa (Lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ; lễ hội của đồng bào Khmer, Hoa); làng nghề truyền thống (nghề đan đát, nghề trồng trầu,...). Ẩm thực Hậu Giang có đặc sản từ các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, năm 2023, toàn tỉnh chỉ đón gần 520 nghìn lượt khách, trong đó có hơn 25 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 236 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với các tỉnh trong vùng. Theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu Du lịch Xã hội, Giám đốc Công ty LaLand Travel Trần Tường Huy, du lịch Hậu Giang còn một số hạn chế. Đó là hiệu quả kinh doanh du lịch thấp, mức chi tiêu bình quân mỗi khách khi đến Hậu Giang còn thấp so với mức bình quân chung vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa đa dạng và đặc biệt còn thiếu sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương. Các sản phẩm hiện nay phần lớn là các loại hình du lịch sinh thái, sông nước,… trùng lắp với hầu hết các tỉnh trong vùng. Vì vậy khả năng cạnh tranh thấp, thiếu sự hấp dẫn du khách, giảm năng lực thu hút đầu tư vào ngành du lịch. Bên cạnh đó, du khách đến Hậu Giang chủ yếu là để dừng chân trên các tuyến du lịch của vùng ĐBSCL, tỉnh chưa thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn, có thể giữ khách ở lại lâu hơn. Một vấn đề nữa là hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quy mô vừa và nhỏ, chưa chủ động tìm kiếm thị trường, tạo ra sản phẩm mới.

Vừa qua, trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch với Văn hóa và Ẩm thực tỉnh Hậu Giang năm 2023, Hội thảo “Xây dựng và khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch tỉnh Hậu Giang” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang tổ chức đã gợi mở, định hướng nhiều giải pháp để phát triển du lịch của tỉnh, nhất là về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; phát huy chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Theo nhận định của các chuyên gia, để phát huy chuỗi giá trị sản phẩm, trước hết Hậu Giang cần nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến.

Thứ hai là cần phát triển các mô hình lưu trú, tiện nghi, hòa mình vào thiên nhiên để khách trải nghiệm không gian làng quê yên bình; đồng thời xây dựng hoạt động trải nghiệm văn hóa ẩm thực, đa dạng các loại hình dịch vụ… để khách cảm nhận sâu hơn về nơi đến.

Thứ ba là liên kết để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là sản phẩm mới và sản phẩm đặc trưng; liên kết để quảng bá xúc tiến thị trường khách; liên kết cụm vùng du lịch Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang để có sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan vùng sông nước, du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái miệt vườn; liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành và cơ sở cung ứng dịch vụ điểm đến nhằm tạo ra các gói sản phẩm phù hợp thị trường và nhu cầu của khách.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt Trần Quang Duy cho rằng, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh lữ hành cần nắm bắt xu thế, nghiên cứu, xây dựng câu chuyện riêng biệt và lồng ghép vào mỗi sản phẩm du lịch; đồng thời cần có nhân lực đủ khả năng truyền tải đến du khách.

Theo ông Trần Tường Huy, Hậu Giang có thể tập trung khai thác ba sản phẩm du lịch đặc trưng: Thứ nhất là du lịch nông nghiệp tại các vùng có đặc sản nổi tiếng của địa phương, kết nối với cụm không gian tây sông Hậu; thứ hai là xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy gắn với kênh xáng Xà No, Chợ nổi Ngã Bảy…; thứ ba là sản phẩm du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nhằm khám phá thiên nhiên và giáo dục, nghiên cứu môi trường.

Để phát triển du lịch thông qua ẩm thực, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam Dương Thị Thu Thủy, Hậu Giang cần khảo cứu và xây dựng câu chuyện văn hóa ẩm thực địa phương qua các đặc sản OCOP…