Khai thác hiệu quả quỹ nhà tái định cư

Trong bối cảnh giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao, nhà ở xã hội khan hiếm, nhu cầu cải thiện chỗ ở của người dân rất lớn, thì trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn khoảng 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí lớn và làm xấu cảnh quan đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Khu nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Năm 2017, dư luận đã bất ngờ với đề xuất của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) về việc phá bỏ ba tòa nhà tái định cư N3, N4 và N5 tại khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) để xây dựng nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư theo đặt hàng của thành phố. Ba tòa nhà nêu trên được xây dựng từ năm 2001, hoàn thành năm 2006, phục vụ tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng mở rộng phố Sài Đồng, nhưng người dân không đến ở.

Phía người dân cho rằng, chủ đầu tư đưa ra mức giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và chính sách bố trí tái định cư không hợp lý, cho nên không đồng thuận. Còn chủ đầu tư đưa ra lý do người dân không đến ở, chất lượng công trình xuống cấp để xin thành phố cho đập đi, xây dựng lại. Sau bảy năm, đến nay ba tòa nhà, mỗi tòa cao sáu tầng, được xây dựng tại trung tâm khu đô thị mới Sài Đồng vẫn không có người đến ở, công trình ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến diện mạo khu đô thị khang trang, hiện đại.

Cũng trên địa bàn quận Long Biên, năm tòa nhà N015 (A, B, C, D, E), phường Thượng Thanh, thuộc dự án giãn dân phố cổ giai đoạn II (2013-2020) cũng rơi vào tình cảnh bị bỏ hoang nhiều năm nay. Năm tòa nhà nằm ở mặt đường Lý Sơn, phía sau có đường giao thông nội bộ, kết nối giao thông rất thuận lợi, đang xuống cấp nhanh chóng. Chị Nguyễn Hồng, một người dân sinh sống tại khu phố cổ Hà Nội cho biết, vị trí khu nhà tái định cư đẹp, rộng rãi, thuận lợi giao thông, nhưng thiếu kết nối với khu vực dân cư. Người dân không biết kinh doanh thế nào, thu nhập sẽ ra sao nếu chuyển về khu nhà mới sinh sống. Đáng chú ý, người dân lo lắng chất lượng xây dựng công trình, việc vận hành, duy trì hoạt động tòa nhà không bảo đảm...

Trong khi đó, anh Ngô Văn Thành, người dân sinh sống tại phường Thượng Thanh cho biết, đây là khu vực phát triển đô thị rất nhanh, chỉ cách trung tâm thành phố hơn 6 km, giao thông thuận lợi, nhất là từ khi tuyến đường 5 kéo dài và nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị trong khu vực hoàn thiện, đi vào hoạt động. Anh rất mong dự án tái định cư chuyển sang làm nhà ở xã hội để gia đình anh và nhiều người đủ điều kiện mua nhà, cải thiện chỗ ở.

Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 170 dự án nhà tái định cư, với hơn 14.200 căn hộ; tuy nhiên, có khoảng 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang. Ngoài ra, nhiều dự án có người dân về ở, nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ tầng một cũng bị bỏ hoang, lãng phí do không có người thuê.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, gây lãng phí do nhiều dự án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu nhiều tiện ích, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt. Nhiều khu vực thiếu hạ tầng xã hội, như trường học, chợ, bệnh viện. Đáng chú ý, một số dự án gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp, chưa hoàn thành nghiệm thu, nhất là các quy định về phòng cháy, chữa cháy... cho nên chưa thể bàn giao cho đơn vị quản lý.

Theo ý kiến các chuyên gia quy hoạch, xây dựng, việc xây dựng sẵn các quỹ nhà tái định cư phục vụ các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Thành phố nên mở rộng các hình thức tái định cư khác, nhất là tái định cư bằng tiền để người dân tự bố trí chỗ ở. Đối với quỹ nhà tái định cư đang bỏ hoang, càng để lâu các căn hộ tái định cư càng xuống cấp nhanh chóng và mất giá trị. Để khai thác quỹ nhà tái định cư bỏ hoang, thành phố cần sớm xem xét, đưa ra phương án thu hồi và tổ chức đấu giá, chuyển đổi công năng thành nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội bán cho người dân có nhu cầu, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, tránh lãng phí.