12 giờ trưa 11/9, nước sông Hồng chảy xiết. Bãi giữa rộng mênh mông 380 ha đã ngập hoàn toàn, chỉ còn nhìn thấy ngọn của những cây cao đang oằn mình trong nước. Nước sông Hồng vẫn tiếp tục dâng lên, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong khi đó, trời tiếp tục mưa nặng hạt. Nước đã ngập hơn 20 cm trong nhà ông Phạm Văn Mậu ở ngõ 193, phố Bạch Ðằng (phường Chương Dương). Ông Mậu đã kê đồ đạc lên cao, đề phòng tình huống bất trắc.
Ông Mậu nói với giọng lo lắng: "Hơn 20 năm nay tôi mới chứng kiến mực nước dâng cao và nhanh như thế này. Những gia đình ở vùng thấp, sát mép sông Hồng đã di dời từ đêm qua". Những tuyến đường, ngõ chạy vuông góc với bờ sông Hồng như: Chương Dương Ðộ, Thanh Yên, Bảo Linh… đều đã ngập sâu, có những khu vực ngập đến hàng mét nước.
Những ngôi nhà ở mép sông đã ngập đến gần 2m nước. Tuyến đường Phúc Tân-Bạch Ðằng chạy song song với sông Hồng cũng ngập nặng một số đoạn. Lực lượng chức năng hiện đã dựng rào chắn tại một số đường, ngõ, không cho người dân đi vào, đề phòng nguy hiểm.
Quận Hoàn Kiếm có phường Chương Dương và phường Phúc Tân nằm ngoài đê sông Hồng với tổng số hơn 40 nghìn cư dân sinh sống. Trước tình hình nguy cấp của mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương lên kế hoạch ứng phó với từng tình huống cụ thể khi nước sông Hồng lên mức báo động 1, 2 và 3.
Trong đó, nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân được coi là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng nhất. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức sơ tán từng khu vực dân cư trong ngày 10/9.
Ngõ 823 đường Hồng Hà tuy nằm khá xa sông Hồng nhưng nước theo các đường cống chảy ngược vào, khu vực này vốn có địa hình trũng, bị nước ngập sâu nhất và sớm nhất nên người dân đã phải chạy lũ từ trưa 10/9. Nhiều hộ gia đình khi nước ngập chưa sâu đã tranh thủ dùng bao cát và các vật liệu khác đắp đập ngăn nước vào nhà.
Tối 10/9, do nước lên nhanh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão các phường đến từng hộ dân vận động, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn. Ðến trưa 11/9, quận đã sơ tán được 379 hộ dân hai phường Chương Dương và Phúc Tân.
Ý thức được mức độ nguy hiểm khi nước lũ dâng cao, phần lớn các hộ dân tự giác chấp hành. Một số ít do điều kiện khó khăn đã được lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: "Quận đã sử dụng các trung tâm văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trong các khu dân cư, khu thể thao Long Biên, khu nhà tạm lánh ở số 360 phố Phúc Tân, tầng 2 chợ Vọng Hà… làm nơi tạm trú cho nhân dân tránh lũ. Hiện nay quận cũng chuẩn bị một số địa điểm khác để đón người dân khi có những tình huống mới phát sinh".
Ðể phục vụ cho công tác cứu hộ, hỗ trợ người dân, chính quyền phường Phúc Tân, Chương Dương đều công bố số điện thoại của lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường, Công an phường để mọi người dân có thể liên lạc khi cần.
Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, phát huy tình làng, nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau, người dân trên địa bàn phường ngoài đê đang tích cực chia sẻ, kết nối thông tin giữa những nhà hảo tâm và những người cần giúp đỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn.