Chung tay cùng nhau vượt khó

Những ngày này, thành phố Hà Nội đang dồn lực để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và ứng phó với mưa lũ. Mưa liên tục khiến nước dâng rất nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân tại nhiều khu vực. Khó khăn là thế, nhưng khi chứng kiến cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chung tay chia sẻ, ai cũng thấy ấm lòng.
Lực lượng chức năng giúp người dân di chuyển tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng ngập lụt tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì.
Lực lượng chức năng giúp người dân di chuyển tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng ngập lụt tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì.

Bão số 3 vừa qua, người dân thôn Viên Châu, xã Cổ Ðô, huyện Ba Vì lại phải lo gặt lúa khi mưa cứ sầm sập trút xuống, còn nước sông Hồng dâng lên rất nhanh.

Chị Phạm Thị Hà cho biết: "Nhìn đồng lúa bị ngập trắng, thật xót xa. Nhà tôi cấy được sáu sào ruộng thì đến nay có bốn sào bị ngập, không thể thu hoạch. Nhà có mình tôi ở nhà, chồng và con tôi đi làm ăn xa hết. Giữa lúc bối rối, không biết làm thế nào, thì lực lượng dân quân xã và bộ đội về xã, sau khi giúp các hộ dân sinh sống trong vùng ngập sâu sơ tán xong tài sản, có bốn đồng chí dân quân, bộ đội đến giúp tôi gặt lúa. Trong một ngày, nhà tôi đã kịp thời thu vớt được hai sào lúa".

Trong hai ngày qua, lực lượng vũ trang huyện Ba Vì đã phối hợp các đơn vị quân đội chạy đua với thời gian, dầm mình trong mưa, cứu được hàng trăm ha lúa cho nhân dân.

Hình ảnh bộ đội dầm mưa, lội nước giúp người dân gặt lúa hay hộ đê, giúp người dân di chuyển đồ đạc khỏi vùng ngập lụt đã trở nên quen thuộc. Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện vật lộn trong dòng nước để cứu đàn lợn cho gia đình, ông Nguyễn Văn Thế, thôn 7, xã Trung Châu (huyện Ðan Phượng) xúc động: "Chúng tôi sống ở vùng bãi đã gần 20 năm nhưng chưa thấy năm nào con nước lại lên nhanh như năm nay. Tưởng tài sản mất trắng, nhưng may mắn được các cán bộ, chiến sĩ và hàng xóm giúp đỡ di chuyển đồ đạc, vật nuôi, chúng tôi rất cảm ơn".

Còn với những người lính, việc hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân chính là sự động viên, khích lệ lớn nhất. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) Trần Văn Tiến cho biết: "Từ khi bão đổ bộ vào đất liền (ngày 7/9) đến nay, cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự xã hầu như thức trắng, ăn uống cũng chỉ qua loa, nhưng ai cũng đều nỗ lực, cố gắng".

Cùng với các đơn vị bộ đội, công an Thủ đô cũng huy động toàn bộ quân số tham gia giúp đỡ người dân. Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy căng mình điều tiết giao thông, các đơn vị công an khác cũng không quản ngại khó khăn cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp vận động, hỗ trợ di dời người dân và tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, một số đoạn đê thuộc thôn Chi Nam nước dâng cao, có nguy cơ bị tràn, với phương châm "4 tại chỗ", ngay từ sáng sớm ngày 11/9, gần 300 cán bộ, nhân dân, chiến sĩ công an và lực lượng dân quân xã Lệ Chi đã tiến hành gia cố đê, tránh sạt lở, nước tràn qua đê bối.

Trưởng công an xã Lệ Chi Ðinh Văn Huân chia sẻ: "Ngay trong đêm, chúng tôi đã họp phân công lực lượng công an xã túc trực và huy động chiến sĩ công an xã phối hợp với công an huyện tích cực gia cố đoạn đê bối này".

Tại quận Bắc Từ Liêm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an quận, công an các phường cùng lực lượng dân quân tự vệ, quân sự phường đã hỗ trợ di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn, đồng thời có phương án hỗ trợ khắc phục, gia cố các điểm đê xung yếu trong điều kiện mưa lũ diễn biến phức tạp.

Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ từng nhà dân di dời tài sản, vật nuôi và sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

"Quận Bắc Từ Liêm có bốn phường nằm ngoài đê sông Hồng và năm phường ngoài đê sông Nhuệ. Công an quận Bắc Từ Liêm đã chủ động thành lập 14 chốt cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối không để nhân dân và các phương tiện đi ra ngoài khu vực đê nguy hiểm, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, tổ dân phố tuần tra cùng với công an, thay nhau chốt 24 giờ mỗi ngày để nhắc nhở người dân không vào khu vực ngoài đê", Thượng tá Ðỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm thông tin.

Cùng với lực lượng bộ đội, công an, các tổ chức chính trị-xã hội từ thành phố đến cơ sở đều vào cuộc rất nhanh. Ở đâu khó khăn cũng thấy những bóng áo xanh của đoàn viên thanh niên đầy nhiệt tình, năng nổ. Hệ thống dân vận không chỉ tuyên truyền mà còn tiếp sức bằng nhiều việc làm cụ thể.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố yêu cầu hội liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại địa bàn tổ chức các hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường, tập trung đến hết ngày 15/9/2024.

Ðối với địa bàn các huyện, tích cực triển khai công tác hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa và hoa màu đến kỳ thu hoạch; hỗ trợ công tác hậu cần cho lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Tất cả đang cộng hưởng lại, tạo thành sức mạnh để thành phố vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn này.