Là một phần máu thịt của Thủ đô

Từ điểm cao nhất của thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Ðồng) - thủ phủ kinh tế mới của người Hà Nội xưa, tôi ngắm trọn cả bình nguyên bên dưới với xanh tươi vườn cây, ấm áp những nếp nhà, những nhà máy, những con đường uốn lượn. Ngắm quang cảnh ấy, có ai ngờ, gần 50 năm trước, đây là vùng rừng núi hoang vu đầy thú dữ và dấu giày Fulro. Còn giờ đây là huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Ðồng) trù phú. Huyện Lâm Hà ra đời như một mối lương duyên tuyệt vời giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Lâm Ðồng…
0:00 / 0:00
0:00
Những chủ nhân tương lai của huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Ðồng).
Những chủ nhân tương lai của huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Ðồng).

Dòng ký ức của mỗi nhân vật tôi gặp trong mùa thu này ở đất Lâm Hà đã hòa vào trang sử ngắn 48 năm người Hà Nội dựng xây quê mới. Dấu mốc đầu tiên tính từ ngày 10/10/1975, khi đoàn cán bộ do ông Trần Duy Dương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và ông Trần Xuân Bảy - Thành ủy viên, dẫn đầu vào tỉnh Lâm Ðồng khảo sát.

Tiếp đó, mồng 6 Tết Bính Thìn-1976, 100 thanh niên xung kích khăn gói lên đường; rồi tám tổng đội thanh niên xung kích với hơn 2.000 người từ tất cả các quận, huyện Thủ đô đã đồng loạt ra quân trong những năm tháng ấy. Họ mở đường, khai hoang, lập trại và gieo những hạt giống đầu tiên lên mảnh đất hoang cằn.

Từ Nam Ban đến Bãi Cháy, Lán Tranh, rừng rậm nguyên sinh và tràn ngập cỏ tranh đã được khai hoang và chia thành những khu dân cư mới với những cái tên thân thuộc từ Hà Nội "gánh" vào: Ba Ðình, Ðống Ða, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Ðông Anh, Ðan Phượng… Trường học, trạm y tế, chợ búa, cơ sở hành chính, đường sá và nhà văn hóa đã mọc lên trên vùng đất ấy, trước khi những người dân đầu tiên của Thủ đô từ giã quê hương vào đây lập nghiệp. Biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi đã đổ ra và họ đã thành công.

Tháng 10/1987, Vùng kinh tế mới Hà Nội chính thức hoàn thành nhiệm vụ. Hà Nội giao lại cho tỉnh Lâm Ðồng, huyện Lâm Hà ra đời từ đó…

Giao lại vùng kinh tế mới, nhưng Hà Nội vẫn giữ trọn nghĩa tình với "một phần máu thịt". Trên vùng đất này, suốt 48 năm qua, thời điểm nào cũng có dấu ấn Thủ đô đậm in. Ðó là những chuyến thăm hỏi; đó là sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất với bà con đi xa bằng việc đầu tư rất nhiều nhà văn hóa, trường học, bệnh xá, đường giao thông.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2004 đến 2015, thành phố Hà Nội và các quận, huyện đã hỗ trợ huyện Lâm Hà xấp xỉ 300 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng.

Tôi còn nhớ, ngày huyện Lâm Hà kỷ niệm 40 năm thành lập Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Ðồng (năm 2016), người Hà Nội trên quê mới đã xúc động nghe lời phát biểu của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, lúc đó là Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: "Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn coi Lâm Hà là một phần máu thịt thiêng liêng. Thủ đô luôn đồng hành với mỗi bước phát triển của Lâm Hà, tiếp tục hỗ trợ sức người, sức của, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân".

Mùa thu 2024 này, thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ huyện Lâm Hà 120 tỷ đồng để xây dựng quảng trường Thăng Long giữa trung tâm vùng kinh tế mới năm xưa…

Những người đầu tiên xây nền móng cho mảnh đất Lâm Hà phồn thịnh hôm nay, giờ người mất, người đã đi gần trọn cuộc đời. Dòng hồi ức của họ là nỗi nhớ về một thời gian khó.

Thanh niên Nguyễn Văn Ký của 48 năm trước giờ đây đã trở thành phụ lão, chia sẻ: "Tôi rời quê nhà Ðông Anh vào đây năm 1976 cùng với rất nhiều thanh niên tiền trạm. Hồi đó, chúng tôi là những người lính vừa mới trở về đã lập tức lên đường làm nhiệm vụ xây dựng quê mới. Nhớ ngày ấy, chúng tôi tự hào về những điều đã làm".

Ông Nguyễn Duy Phác cũng là một trong những người tiền trạm, nay an cư ở xã Tân Hà, trầm tư: "Ðất này đã từng thấm máu của đồng đội tôi cũng như mồ hôi, nước mắt bao người!".

Còn ông Nguyễn Văn Lộc kể: "Hồi đó cả vùng rộng lớn này chỉ lèo tèo mấy hộ gia đình. Bốn phía là rừng. Buổi tối không dám thắp đèn đuốc. Không gian âm u với tiếng thú đi hoang và tiếng súng Fulro".

Gia đình lão nông này là một trong 11 hộ đầu tiên vào xây dựng kinh tế mới từ năm 1976 tại địa bàn xã Mê Linh, đến nay xã có 1.670 hộ với 7.336 nhân khẩu.

Ông Lộc nói tiếp: "Nỗi nhớ quê nhà, sự cô đơn giữa miền đất mới đầy gian khó gặm nhấm tâm hồn những người xa quê. Không ít lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc". Thế rồi, bằng quyết tâm và sự cần cù, họ đã tạo lập một cuộc sống mới. Người đến ngày một đông, Hợp tác xã Mê Linh thành lập, ông Lộc là chủ nhiệm đầu tiên…

Trước giờ chia tay thị trấn Nam Ban, "thủ phủ kinh tế mới Hà Nội" ngày xưa, tôi nhâm nhi ly cà-phê đậm hương vị bazan trong một góc quán bên cạnh Trường THPT Thăng Long đang du dương bản nhạc "Nhớ mùa Thu Hà Nội". Lắng hồn mình theo giai điệu ca khúc và nghĩ về những tháng ngày gian nan của người Hà Nội giã từ quê hương bản quán đi dựng xây cuộc sống mới nơi xa.

Chừng đó thời gian với một vùng quê đã có những thay đổi vô cùng lớn lao. Trên vùng rừng rậm hoang vu, bạt ngàn cỏ tranh năm xưa, nay là huyện Lâm Hà, một cái tên gợi nhớ da diết về cố hương phương Bắc và thắm tình gắn bó với quê mới phương Nam.

Người Hà Nội bao năm gắn bó với Lâm Ðồng vẫn giữ trọn truyền thống văn hóa Tràng An và văn hóa Xứ Ðoài. Họ đã "gánh cả tên xã, tên làng", mang theo nền văn minh sông Hồng ngàn đời lên cao nguyên dựng phố, lập làng. Những địa danh Thủ đô giờ đây đã gắn bó máu thịt với màu đất bazan, với đồng bào bản địa.

Những món ăn mang hương vị riêng như phở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Cát Quế-Hoài Ðức trở thành những món ẩm thực đặc biệt giữa miền quê mới. Những làn điệu chèo cổ Hà Tây và ca trù Lỗ Khê vẫn thánh thót, quấn quyện mỗi đêm giữa miền đất mới đang mỗi ngày càng thêm giàu có, khang trang…