Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ thì những ngôi làng cổ, nhà cổ ngày càng hiếm hoi. Là quận nội thành, nhưng Bắc Từ Liêm vẫn giữ được không gian làng cổ Ðông Ngạc-một trong những ngôi làng có nhiều tiến sĩ nhất nước ta trong thời kỳ phong kiến.
Làng cổ Ðông Ngạc đến nay giữ được nhiều thiết chế văn hóa cổ. Ngoài đình Ðông Ngạc, chùa Tư Khánh, trong làng còn có nhà thờ danh nhân Ðỗ Thế Giai - một nhà thờ có quy mô lớn không kém các ngôi đình làng cùng hàng chục nhà thờ họ khác. Ði sâu vào ngôi làng vẫn còn nhiều nhà cổ, với những chiếc cổng cổ kính. Ðây là một "đặc sản" của Bắc Từ Liêm.
Cách làng Ðông Ngạc không xa, đền Chèm là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngôi đền nằm ngoài đê, nhìn ra sông Hồng tạo nên một cảnh quan đẹp. Gần đó, ở phía trong đê còn có vùng trồng hoa Tây Tựu rộng hàng trăm héc-ta. Tây Tựu không chỉ là nơi sản xuất các loại hoa mà còn là địa điểm tham quan nổi tiếng.
Ngoài những điểm tham quan đó, Bắc Từ Liêm còn có nhiều địa danh khác như đình Nhật Tảo, đình Thượng Cát… Trong tổng số 29 lễ hội truyền thống trên địa bàn, có ba lễ hội được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội đền Chèm (phường Thụy Phương), Lễ hội bơi Ðăm (phường Tây Tựu), Lễ hội kết chạ giữa làng Kiều Mai (phường Phúc Diễn) với làng Phú Mỹ (phường Mỹ Ðình 2, quận Nam Từ Liêm).
Ngoài ra, Bắc Từ Liêm còn có một số làng nghề như: Làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Ðỉnh, làng nghề giò chả Thượng Cát… Những di sản này là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là nhiều điểm tham quan, du lịch nằm dọc sông Hồng.
Mặc dù vậy, các tài nguyên du lịch văn hóa nói chung và các giá trị di sản văn hóa nói riêng trên địa bàn Bắc Từ Liêm mới ở dạng tiềm năng. Các điểm du lịch phần lớn là tự phát, ít được đưa vào các tour du lịch của những hãng lữ hành lớn. Ðiều này đòi hỏi Bắc Từ Liêm phải có những cơ chế, chính sách mới tạo động lực để khai thác, phát huy các giá trị di sản.
Ðể đánh thức những giá trị văn hóa-lịch sử của Bắc Từ Liêm, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương (Trưởng khoa Văn hóa du lịch, Trường đại học Thủ đô) đề xuất: "Quận Bắc Từ Liêm cần coi trọng không gian văn hóa của cư dân vùng ven sông Hồng, nơi có nhiều nền tảng giá trị cốt lõi từ thời kỳ văn minh Văn Lang-Âu Lạc, mang đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng dân cư ven kinh đô Thăng Long xưa. Vì vậy, Bắc Từ Liêm nên chọn khu vực Ðông Ngạc (làng khoa bảng của Thăng Long xưa) cùng với đình Chèm để xây dựng một không gian văn hóa lịch sử mang tính biểu tượng về văn hóa của quận".
Ðể có thể phát triển không gian văn hóa này thì việc bảo tồn các di tích là chưa đủ, mà cần giải "bài toán" giữa bảo tồn và phát triển tại "làng tiến sĩ" Ðông Ngạc. Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: "Ðông Ngạc là làng cổ tiêu biểu bậc nhất của cả nước, được bảo tồn gần như nguyên trạng ngay ở giữa địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, là một kỳ tích. Nhưng để giữ vững và phát huy tốt kỳ tích này, chúng ta phải nghĩ đến một kế hoạch xây dựng làng cổ Ðông Ngạc thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia và bảo tồn phát huy giá trị của làng cổ Ðông Ngạc theo đúng Luật Di sản văn hóa".
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, di sản văn hóa trên địa bàn quận, nhất là các di tích và lễ hội gắn liền với thời đại Hùng Vương và thời đại Hai Bà Trưng không chỉ là phần quan trọng của di sản quốc gia, mà còn là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế du lịch. Song, Bắc Từ Liêm đang đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh, đặt ra thách thức đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do đó, cần xây dựng và thực hiện các kế hoạch bảo tồn toàn diện, cùng việc huy động nguồn lực, nâng cao nhận thức cộng đồng. Một số chuyên gia cũng cho rằng, Bắc Từ Liêm nằm ven sông Hồng, nên cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với dòng sông, kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố.