Thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp ở Hà Nội tăng trưởng khá

Theo dữ liệu được công bố mới đây trong báo cáo Prime Benchmark của Savills Châu Á-Thái Bình Dương (ấn phẩm cung cấp dữ liệu về tình hình hoạt động của các phân khúc bất động sản cao cấp), Hà Nội là một trong hai thành phố của Việt Nam thuộc nhóm các thị trường có ngành bất động sản bán lẻ (bất động sản cho thuê) hoạt động tích cực trong các tháng đầu năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00

Báo cáo kinh tế-xã hội do Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, trong 8 tháng năm 2024, doanh thu từ thị trường bất động sản bán lẻ ước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng về doanh thu bất động sản bán lẻ nổi bật được ghi nhận tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội.

Tầng lớp trung lưu cùng tốc độ đô thị hóa gia tăng thúc đẩy thị trường bất động sản bán lẻ, nhất là bất động sản ở phân khúc cao cấp. Một nghiên cứu của KPMG Việt Nam (công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán) dự báo từ năm 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 5,5%.

Với mức độ tăng trưởng này, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Ðông Nam Á. Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam tính đến tháng 10/2023 là 42,6%. Chính phủ đặt ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt ít nhất 45% vào năm 2025 và vượt mức 50% vào năm 2030.

"Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ phục hồi tích cực của ngành du lịch, cùng với sự ra đời liên tục của các thương hiệu mới đã mang đến một bức tranh thị trường bất động sản bán lẻ hiện đại, năng động và nhiều tiềm năng. Các trung tâm thương mại từ đó trở thành điểm đến vui chơi, giải trí hấp dẫn của số đông người tiêu dùng", bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý mặt bằng bán lẻ Savills Việt Nam giải thích.

Bà Ðỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội đánh giá, chi phí thuê mặt bằng cao cấp tại Hà Nội vẫn đang ở mức cạnh tranh so với nhiều thị trường trong khu vực. Giá thuê của các mặt bằng cao cấp khu trung tâm của Hà Nội là 96,4 USD/m2.

"Giá thuê của phân khúc này tại Hà Nội trong thời gian tới có xu hướng ổn định hoặc tăng do ít nguồn cung mới. Ðiều này đồng nghĩa với việc các dự án hiện hữu tại các vị trí đắc địa sẽ tiếp tục duy trì công suất cho thuê cao và có thể tăng giá thuê", bà Hằng nói.

Mặc dù khả quan về giá thuê, song thị trường này đang có những thay đổi lớn với những yêu cầu ngày càng khắt khe. Các thương hiệu bán lẻ quốc tế, cao cấp vẫn đang tìm kiếm mặt bằng kinh doanh ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, không nhiều mặt bằng có thể đáp ứng được yêu cầu của bên thuê.

Có vị trí tại một trong những tòa nhà mang đậm dấu ấn lịch sử của quận Hoàn Kiếm, góc đường Bà Triệu- Hàng Khay, đối diện với hồ Hoàn Kiếm, cửa hàng Uniqlo Hoàn Kiếm là một thí dụ điển hình cho sự lựa chọn của các nhãn hiệu nổi tiếng. Thực tế là một tỷ lệ không nhỏ các mặt bằng khối đế và nhà phố tại khu vực trung tâm không còn đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế, công năng sử dụng.

Thêm vào đó, sau đại dịch Covid19, các doanh nghiệp có thương hiệu lớn đều hạn chế mở tràn lan các cửa hàng. Họ tập trung vào một cửa hàng lớn, hoặc chọn một địa điểm làm nơi vừa trưng bày, vừa bán những sản phẩm mới lạ, khó có thể tìm kiếm được ở các cửa hàng khác. Vì thế, những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc của các doanh nghiệp.

Thị trường nhà mặt phố cho thuê ở khu vực trung tâm Hà Nội đang có sự phân cấp khá rõ. Nếu đáp ứng được nhu cầu của các thương hiệu lớn, cao cấp, thì có giá cho thuê cao, thậm chí rất cao. Còn nếu vẫn sở hữu mô hình cửa hàng mặt phố với diện tích nhỏ, có lối đi, khu phụ dùng chung… thì chủ đầu tư phải chấp nhận giảm giá để tìm được khách thuê.