Vụ sản xuất này, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ gieo trồng gần 460 ha, trong đó có nhiều diện tích trồng lúa sớm đã cho thu hoạch. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, xã đã vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh lúa mùa để tránh thất thu.
Cùng với đó, xã tập trung bơm nước và khơi thông dòng chảy để tiêu úng, cứu những diện tích bị úng ngập. Chính quyền xã và hợp tác xã nông nghiệp hướng dẫn người dân chuẩn bị ruộng đồng ngay khi thu hoạch xong lúa mùa để trồng các loại cây vụ đông.
Xã Hoàng Diệu phấn đấu gieo trồng 300 ha vụ đông, trong đó gần 150 ha các loại rau, củ ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, nhất là rau xanh để kịp thời cung ứng cho thị trường.
Tại huyện Thanh Oai, với hơn 3.000 ha lúa bị đổ, hơn 320 ha lúa bị ngập, 113 ha rau màu, 326 ha cây ăn quả bị hư hại dập nát, chính quyền và nông dân đang khẩn trương cứu những diện tích lúa, hoa màu ngập úng nhằm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất.
Do nước ngập sâu, các máy gặt lúa liên hoàn không thể xuống đồng thu hoạch, người dân phải lội ruộng cắt lúa, vận chuyển lên bờ rồi sử dụng máy tuốt lúa.
Ðể giúp nông dân nhanh chóng thu hoạch, Hội Nông dân huyện Thanh Oai mua máy tuốt về phục vụ miễn phí người dân xã Thanh Văn. Mỗi ngày máy tuốt được từ 5 đến 7ha lúa. Theo đại diện Hội Nông dân huyện Thanh Oai, ngay sau khi xã Thanh Văn hoàn thành thu hoạch lúa mùa, máy tuốt lúa sẽ được chuyển đến các địa phương khác để kịp phục vụ nông dân.
Ngay sau khi lũ rút, huyện Phúc Thọ nhanh chóng triển khai kế hoạch khắc phục thiệt hại sau thiên tai gắn với sản xuất vụ đông. Ðại diện Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ cho biết, các ngành chức năng đã khơi thông dòng chảy rãnh thoát nước, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, tiêu úng, dựng buộc được hơn 530 ha lúa bị gãy đổ; thu hoạch gần 180 ha lúa chín và nhiều diện tích rau màu. Các ngành chức năng và chính quyền các xã hướng dẫn nông dân chuyển trồng cây khác phù hợp, ưu tiên trồng các loại cây ngắn ngày. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các ngành hướng dẫn các cơ sở, các hộ vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại sau mưa bão và khẩn trương tái đàn để phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ Nguyễn Ðình Sơn cho biết, để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân, huyện triển khai song song kế hoạch phục hồi sản xuất sau thiên tai gắn với triển khai sản xuất vụ đông năm 2024, bảo đảm không để ruộng hoang nhằm bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo thống kê sơ bộ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa, dông, lũ, trên địa bàn thành phố có hơn 2.240 ha lúa, 1.250 ha rau màu, 1.185 ha cây ăn quả, hoa, cây hằng năm và gần 260 ha thủy sản bị úng ngập. Ngoài ra, còn nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây hằng năm, thủy sản bị ảnh hưởng.
Ðể khắc phục hậu quả mưa lũ, thành phố đã vận hành hơn 200 trạm bơm tiêu úng. Ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân triển khai các giải pháp phục hồi. Ðối với diện tích trồng lúa, các hộ khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên đồng ruộng đối với những diện tích bị ngập.
Các địa phương thu hoạch nhanh gọn gần 7.000 ha lúa sớm. Ðối với trà lúa trung và muộn dự kiến cho thu hoạch từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 bị đổ, nông dân khẩn trương dựng cây lúa, cột thành từng bó để chống đổ.
Ðối với diện tích trồng cây rau màu, sau khi nước rút, các hộ dân cần vệ sinh đồng ruộng, sử dụng phân bón lá, chế phẩm vi lượng… để phục hồi. Ðối với cây ăn quả, khi những vườn cây đã rút nước, nông dân cần tập trung xới đất giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương vận động nông dân tiến hành dọn dẹp đối với những diện tích thiệt hại hơn 70%, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị trồng cây vụ đông.
Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, vụ đông năm 2024, thành phố trồng khoảng 29.000 ha, nhưng để bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngành nông nghiệp đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ đông lên 36.000 ha.