Nghĩa tình trong bão lũ

Trong những ngày cao điểm của mưa lũ, có hàng chục nghìn người gặp khó khăn cần giúp đỡ; trong đó, 68.604 người phải "chạy lũ" đến nơi an toàn. Mưa lũ qua đi, nhưng tình người còn đọng lại.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm hỗ trợ người dân tránh lũ.
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm hỗ trợ người dân tránh lũ.

Những ngày này, thành phố Hà Nội đang tập trung dọn vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3. Vẫn còn hàng nghìn cây xanh bị gãy, đổ cần thu gom, xử lý. Hàng chục nghìn người phải "chạy lũ" đã trở về với mái ấm thân yêu của mình, nhưng những ký ức đẹp về sự chở che, giúp đỡ của cộng đồng vẫn còn đọng lại trong lòng.

Quận Hoàn Kiếm có hai phường ngoài bãi sông Hồng, với hàng trăm hộ gia đình cư trú ngay sát bờ sông. Nước sông dâng cao, tràn vào các căn nhà, cao điểm nhất là ngày 10 và 11/9, khiến các hộ buộc phải di dời đến nơi an toàn. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã bố trí nơi tạm cư, đáp ứng nhu cầu ăn, ở của người dân. Bên cạnh hoạt động của chính quyền, người dân đã tích cực giúp đỡ lẫn nhau.

Trên các trang fanpage của phường Nhật Tân và phường Chương Dương, các dòng thông tin như: "Tôi còn 3 phòng chưa dùng đến, ai có nhu cầu tránh lũ xin liên hệ…", "Tối nay gia đình tôi nấu xôi gửi đến bà con phải di dời tránh lũ, mong các tình nguyện viên đến giúp đỡ…". Không phân biệt là người dân trên địa bàn hay các hộ thuê trọ, mọi người đều được giúp đỡ nhiệt tình việc vận chuyển đồ đạc, lương thực, thực phẩm trong thời gian tránh lũ.

Chị Tuyết Anh ở phố Bạch Đằng nhớ lại: "Gia đình em có cháu bé mới hơn hai tháng tuổi. Khi nước lên em muốn sơ tán lên nhà bà ngoại, nhưng nhà ngập, mất điện, đang lo lắng không biết làm thế nào thì lực lượng chức năng đến giúp em vận chuyển đồ đạc đến tận nơi. Vừa đi đường, vừa gặp các chiến sĩ công an, dân phòng, thanh niên không quản mưa gió giúp đỡ nhân dân vận chuyển đồ đạc mà em thấy ấm lòng".

Khi nước sông Hồng lên gần mức báo động 2, quận Ba Đình cũng khẩn trương di dời 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên số 67, phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch) đã trở thành "ngôi nhà thứ hai" của những hộ dân đang sinh sống ở bên bờ sông Hồng trong những ngày chạy lũ.

Bà Vũ Thị Ngoan ở phố Tân Ấp chia sẻ: "Các con tôi đi làm xa, nhà chỉ còn hai bà cháu, khi nước sông lên cao, tôi không biết xoay xở thế nào. Rất may được chính quyền, các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm giúp đỡ nên gia đình tôi vừa có nơi ở, vừa có đầy đủ lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt trong những ngày tránh lũ".

Trên toàn địa bàn, thành phố đã di dời tới 68.604 người từ vùng nước ngập đến nơi an toàn, từ các quận nội thành như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… lẫn khu vực ngoại thành như các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm… Lực lượng chức năng các địa phương và các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm đã khẩn trương giúp đỡ mọi người trong suốt quá trình chạy lũ.

Huyện Chương Mỹ là địa bàn nước rút chậm nên hiện giờ nhiều khu vực như xã Mỹ Lương, xã Nam Phương Tiến, xã Tân Tiến… vẫn bị ngập, một số thôn, xóm còn ngập sâu khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn, nhiều gia đình vẫn phải tạm cư nơi sơ tán. Đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã hỗ trợ huyện Chương Mỹ 27.000 lọ/tuýp kháng sinh điều trị đường ruột, tiêu chảy, sát khuẩn, da liễu… và thuốc nhỏ mắt cho các xã bị ngập lụt. Thành phố hỗ trợ 3,5 tấn gạo, 400 thùng nước lọc, 96 thùng lương khô; huyện Quốc Oai hỗ trợ 2 tấn gạo, 200 thùng mì ăn liền, 200 chai nước mắm, 100 can nước loại 5 lít…

Nhiều nhà hảo tâm cũng gửi tiền mặt, nhu yếu phẩm đến hỗ trợ nhân dân. Chị Nguyễn Thị Ninh (thôn Việt An, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) tâm sự: "Gia đình tôi chuyển đến ở nhờ nhà người em họ. Thiên tai xảy ra làm nhà tôi bị ngập nhưng lại được chị em họ hàng đùm bọc, chia sẻ và được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên bản thân tôi và mọi người trong gia đình đều thấy yên tâm".

Bão đã tan, nước đang rút dần, mọi người trở về cuộc sống thường ngày, nhưng nghĩa tình lúc hoạn nạn sẽ còn đọng lại trong tâm trí mỗi người sau trận bão lũ kỷ lục này.