Nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3, bảo đảm an toàn giao thông

Bão số 3 đã gây ra thiệt hại lớn cho Hà Nội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng và đời sống dân sinh. Cùng với các cấp, các ngành của thành phố, ngành giao thông đã nỗ lực, kịp thời khắc phục những hậu quả, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy cho người và phương tiện.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) huy động nhân lực, máy móc dọn dẹp vệ sinh môi trường trên đường phố.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) huy động nhân lực, máy móc dọn dẹp vệ sinh môi trường trên đường phố.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, bão số 3 đã gây ra 1.257 sự cố, hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó có 1.045 sự cố về đường bộ; 164 sự cố về đèn tín hiệu giao thông. Bên cạnh đó, trên địa bàn có tổng số 61 tuyến phố do thành phố quản lý bị cây đổ ngang đường, gây cản trở giao thông; 149 vị trí ngập nước trên 118 tuyến đường; 202 nút giao thông gặp sự cố về đèn tín hiệu.

Một số cầu như: cầu Đông Yên, Đông Thượng, Bãi Tích 1, Bãi Tích 2, Bãi Tích 3 trên địa bàn huyện Quốc Oai; cầu 72 II trên địa bàn huyện Hoài Đức; cầu Chiền trên địa bàn huyện Sóc Sơn… bị ngập lụt.

Trước, trong và sau những ngày bão số 3 đổ bộ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động nhanh để ứng phó với thiên tai. Sở đã ban hành 26 thông báo hướng dẫn cho các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn trên các tuyến đường: các tỉnh lộ: 421B, 423, 401, 413, 419, 425, 422, 427, 428, 70; các Quốc lộ 3, 32; đại lộ Thăng Long; các cầu: Đuống, Chương Dương, Long Biên, Trung Hà…

Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị các địa phương rà soát cầu yếu trên địa bàn, có phương án bảo đảm an toàn giao thông phù hợp. Theo kiến nghị đó, các quận, huyện, thị xã đã cấm lưu thông trên 32 cầu.

Đối với đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có Thông báo số 966/TB-SGTVT ngày 11/9/2024 về việc cấm phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa sông Đáy, sông Cà Lồ, suối Yến, hồ Suối Hai, trừ các phương tiện phục vụ công tác phòng chống lụt bão; cấm tuyệt đối hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa trên địa bàn quản lý; bố trí nơi ở tạm phòng tránh bão, lũ cho chủ phương tiện, thuyền viên; lập 11 chốt trực 24/24 giờ để hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các khu vực trọng yếu, các bến khách ngang sông…

Ngay từ sáng 8/9, khi bão số 3 qua đi, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải và các phòng, ban, địa phương vừa bảo đảm giao thông,vừa khẩn trương xử lý, khắc phục sửa chữa các sự cố hạ tầng.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, trong hai ngày 14/9 và 15/9, các đơn vị trực thuộc của Sở như Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Thanh tra Giao thông, Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, công nhân viên; hàng chục xe, máy móc, thiết bị cùng chung tay với các địa phương ra quân tổng vệ sinh đường phố, quyết tâm khôi phục giao thông, dọn dẹp đường phố, nhất là các cây xanh gãy, đổ gây cản trở giao thông trên nhiều tuyến đường phố Thủ đô.

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý đường bộ cắm biển cảnh báo tại các vị trí ngập sâu, các vị trí không lưu thông được và phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng cho người dân có phương án di chuyển cho phù hợp.

Đối với các vị trí đã có thông báo phân luồng của Sở Giao thông vận tải, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã chỉ đạo nhà thầu quản lý đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng thông báo phân luồng của Sở Giao thông vận tải.

Đến nay, lực lượng chức năng đã giải quyết xong hơn 1.000 sự cố, trong đó có 595 sự cố liên quan đến cây đổ ra đường; 433 sự cố liên quan đến biển báo, thiết bị bảo đảm an toàn giao thông trên đường… Đối với các sự cố về đèn tín hiệu giao thông có 202 nút gặp sự cố, trong đó 196 nút đèn đã khắc phục xong và đèn đã hoạt động bình thường. Hiện còn sáu nút đèn đang khắc phục, chưa hoạt động được.

Đối với các cầu đang bị ngập, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã chỉ đạo đơn vị quản lý cầu cho người trực gác, không cho phương tiện lưu thông qua cầu. Đồng thời, Ban phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, phân luồng giao thông và thông tin trên báo chí để người tham gia giao thông chọn lộ trình phù hợp.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, những ngày tới, Sở sẽ tiếp tục tập trung khắc phục sự cố hạ tầng, huy động Thanh tra Sở phối hợp với cảnh sát giao thông điều tiết giao thông, nhất là hướng dẫn phương tiện, người dân đi lại an toàn qua các vị trí còn ngập úng.