Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức, giao Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, phối hợp với Thành đoàn Hà Nội thực hiện.
Cuộc thi là nội dung quan trọng trong chuỗi hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước; người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam tìm hiểu về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, tìm hiểu về truyền thống nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, những thành tựu của Thủ đô đạt được qua 70 năm xây dựng và phát triển và sau gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là dịp tìm hiểu về những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kể từ khi phát động qua nền tảng trực tuyến tuyengiaothudo.com.vn và trải qua ba tháng tổ chức vòng sơ khảo (từ tháng 5 đến hết tháng 7/2024), cuộc thi đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt thí sinh trên toàn quốc tham gia. "Kể từ khi phát động đến nay, cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đa dạng về thành phần dự thi và lan tỏa sâu rộng trong nhân dân cả nước", Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Trong ba tháng diễn ra vòng sơ khảo trực tuyến, cuộc thi đã đón nhận sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân đối với cuộc thi. Không chỉ ở Thủ đô, cuộc thi đã lan tỏa trong nhân dân cả nước, thu hút nhiều thí sinh từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Cần Thơ tham dự và đoạt giải cao.
Nội dung hệ thống câu hỏi của cuộc thi được người dự thi đánh giá cao về khối lượng kiến thức, sự đa dạng trong cách đặt câu hỏi. Cuộc thi cung cấp nhiều thông tin hữu ích về lịch sử nghìn năm văn hiến và quá trình đấu tranh cách mạng, các giai đoạn xây dựng, phát triển Thủ đô.
Ban tổ chức cũng chú trọng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các phần thi. Các phần thi được xây dựng trên phần mềm, cách thức thao tác thi của đội và chấm điểm của giám khảo cũng được triển khai hoàn toàn bằng công nghệ. Sau mỗi phần thi, kết quả và bảng xếp hạng được công bố trên màn LED, giúp các đội thi, giám khảo và khán giả cùng theo dõi, tăng thêm sự hấp dẫn.
Bí thư Ðoàn Thanh niên Học viện Tài chính Tạ Ðình Hòa bày tỏ: Các cấp bộ Ðoàn của Học viện Tài chính nói riêng và của Thủ đô nói chung sẽ nêu gương, tích cực tuyên truyền sâu rộng và lan tỏa tinh thần của cuộc thi đến đoàn viên, thanh niên thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động của Ðoàn và đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội.
Trải qua vòng sơ khảo, 16 thí sinh xuất sắc đã tham dự vòng chung khảo và được chia thành bốn đội thi với những tên gọi mang đậm tình yêu Hà Nội, như: "Hà Nội văn hiến", "Thủ đô sáng mãi", "Tôi yêu Hà Nội", "Hào khí Thăng Long". Các đội thi tham gia tranh tài tại bốn phần thi gồm: "Người Hà Nội" (dưới dạng phần thi chào hỏi), "Tiến về Hà Nội" (dưới dạng thi trắc nghiệm trả lời câu hỏi), "Tình yêu Hà Nội" (dưới dạng thi thuyết trình) và "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng" (dưới dạng thi hùng biện, tranh biện).
Với các thí sinh tham dự vòng chung khảo, cuộc thi là cơ hội để thể hiện tình yêu với Hà Nội, được giao lưu, trao đổi, học hỏi những kiến thức về lịch sử, văn hóa của Thăng Long-Hà Nội và cùng nhau đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng, phát triển Thủ đô.
Phó Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Ðông Lỗ (huyện Ứng Hòa) Ðỗ Thị Thìn là thành viên Ðội "Tôi yêu Hà Nội" - đội đã đoạt giải Nhất cuộc thi cho biết, ở vòng chung khảo, cuộc thi đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức mà cả kỹ năng tuyên truyền, vận động. Ðây cũng là cách tuyên truyền trực quan, sinh động về lịch sử, văn hóa, kinh tế-xã hội của Thủ đô đến đông đảo người dân và lan tỏa tình yêu Hà Nội đến với nhiều người.
Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hoàn Kiếm Trần Thị Quỳnh cho biết: "Ðội thi của quận Hoàn Kiếm lựa chọn chủ đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhấn mạnh về giải pháp nâng cao vai trò của gia đình trong giữ gìn nếp sống văn minh. Ðây cũng là nội dung được thành phố rất quan tâm, thể hiện qua các chương trình, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Là công dân Thủ đô, chúng tôi thể hiện tình yêu với Hà Nội, mong muốn truyền tải các kiến thức thông qua phần giới thiệu về truyền thống văn hóa lịch sử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Ðây cũng là việc làm thiết thực để mỗi người dân thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về mỗi giai đoạn lịch sử vẻ vang của Thủ đô, từ đó tiếp thêm động lực để xây dựng, phát triển Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.