Hỗ trợ các huyện nghèo đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng

Chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, một số quận của thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các huyện còn khó khăn kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng khu vực nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.
Trường mầm non xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ được hỗ trợ đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. (Ảnh ANH SA)
Trường mầm non xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ được hỗ trợ đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. (Ảnh ANH SA)

Nhiều năm nay, Trạm y tế xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ rất thưa vắng người dân đến khám, chữa bệnh do trang thiết bị hạn chế, cơ sở vật chất không được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Tuy nhiên, hơn nửa năm nay, sau khi được quận Hà Đông hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, hỗ trợ trang thiết bị, trạm y tế thu hút đông đảo người dân đến khám, chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Vinh, người dân xã Thanh Đa vui mừng cho biết, trạm y tế không chỉ được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch, đẹp mà còn có thêm nhiều trang thiết bị khám, chữa bệnh mới, nhất là có thêm phòng khám, chữa bệnh bằng đông y phục vụ người dân, rất phù hợp các bệnh của người cao tuổi. Công tác khám, chữa bệnh cũng được các bác sĩ, y tá phục vụ nhiệt tình, trách nhiệm.

Cũng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, hai trường mầm non xã Phụng Thượng, Tam Hiệp vừa được quận Tây Hồ, quận Long Biên hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.

Đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Phúc Thọ cho biết, Phúc Thọ là huyện thuần nông, nguồn lực kinh tế còn nhiều khó khăn. Xuất phát điểm của huyện khi xây dựng nông thôn mới rất thấp. Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện chủ yếu dựa vào đầu tư của thành phố và tiền thu được từ đấu giá đất. Tuy nhiên thời gian qua, công tác đấu giá đất gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư các dự án.

Vì thế, nguồn hỗ trợ từ các quận để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn càng quan trọng đối với huyện trong quá trình nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó có sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của các quận, năm 2020, huyện đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Theo đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay có tám quận hỗ trợ các huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với tổng kinh phí gần 1.300 tỷ đồng.

Nhờ sự hỗ trợ quý giá của các quận, các huyện có thêm nguồn lực đầu tư nhiều công trình hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống người dân. Diện mạo nông thôn mới của Hà Nội thay đổi đáng kể, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại, sự giúp đỡ của các quận đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15/18 huyện về đích huyện nông thôn mới.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, Hội đồng nhân dân thành phố cho phép năm quận, gồm Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai và Long Biên sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ sáu huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ và Sóc Sơn thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội thông qua một số dự án.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các quận thực hiện các thủ tục quyết định hỗ trợ tuân thủ quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các huyện có dự án được hỗ trợ tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm đủ nguồn vốn đối ứng (nếu cần) để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư và tuyệt đối không được để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Hy vọng với sự hỗ trợ kịp thời của các quận, thời gian tới các huyện khó khăn của thành phố sẽ sớm có thêm nhiều công trình hạ tầng, giúp khu vực nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại; đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong thành phố.