Hiệu quả từ công tác đối thoại

(Tiếp theo và hết) (*)
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022. (Ảnh Thành Nguyễn)
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022. (Ảnh Thành Nguyễn)

Bài 3: Thực tiễn đòi hỏi đối thoại phải ngày càng thực chất

Sau 5 năm thực hiện, hiệu quả công tác đối thoại tại Hà Nội đã thấy rõ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có những hạn chế cần sớm khắc phục, để nhiệm vụ này thật sự trở thành giải pháp xây dựng hệ thống chính trị của thành phố vững mạnh hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá, công tác tuyên truyền về nội dung Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy và việc vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia tiếp xúc, đối thoại với cấp ủy, chính quyền tại một số nơi còn chưa được coi trọng.

Tránh “Cất đi để đấy” và “Xuôi chiều, hứa hão”

Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho rằng, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa sâu, chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định. Tại một số địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội chưa phát huy được vai trò trong việc nắm tình hình cơ sở, thiếu phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; hiệu quả của việc giám sát kết luận sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa cao, dẫn đến còn nhiều vụ việc kiến nghị, đề xuất diễn ra nhiều năm, chưa được giải quyết triệt để. Nhiều nơi còn lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là việc xác định nội dung tổ chức đối thoại. Hiện, phần lớn nội dung đối thoại còn nặng về giải quyết những kiến nghị, những vụ việc dân sinh bức xúc, còn ít ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham vấn giúp cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc tổ chức còn hình thức, không ít hội nghị “na ná” như các cuộc tiếp xúc cử tri; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền vẫn có tâm lý ngại va chạm đối với các nội dung phức tạp, chưa gần gũi với nhân dân, nội dung chưa được chuẩn bị kỹ để trả lời kiến nghị, cho nên hiệu quả tổ chức đối thoại chưa cao, chưa đạt được mục đích đề ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) Tô Hữu Vịnh chia sẻ: Có những vấn đề dân sinh bức xúc vượt thẩm quyền, nếu không giải thích thỏa đáng, người dân sẽ nói cán bộ chỉ hứa suông. Do đó, cần cơ chế, quy trình quy định rõ ràng cấp huyện, cấp xã thế nào cho phù hợp. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm, Nguyễn Tiến Việt nói: “Nếu những nội dung được đưa ra trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại không được giải quyết dứt điểm, rồi “cất đi để đấy”, không cẩn thận sẽ âm ỉ rồi bột phát. Do đó, đối thoại phải làm thực chất và muốn vậy, phải có cơ chế kiểm soát tốt, xem trước và sau đối thoại tình hình chuyển biến cụ thể thế nào, đã giải quyết đến đâu”. Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành cũng cho rằng, sau đối thoại phải kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện ngay, chứ không kiểu “làm cho có”.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết phản ánh, kiến nghị, nhất là đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân thông qua tiếp xúc, đối thoại thì việc chuẩn bị kỹ nội dung trước khi đối thoại, có giải pháp giải quyết thỏa đáng kiến nghị của người dân là yêu cầu quan trọng. Ngoài ra, định kỳ người đứng cầu cấp ủy phải kiểm tra tiến độ, chỉ đạo cụ thể việc giải quyết các nội dung, yêu cầu liên quan sau đối thoại, tiếp xúc. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) Đào Thị Thu Hằng cho rằng, cần tăng cường hơn nữa vai trò của bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, bởi đây là những người gắn bó sát sườn với cơ sở, có việc gì là phải nắm bắt và tuyên truyền, vận động, giải thích ngay; nếu không giải quyết được mới chuyển lên cấp trên. “Khi đối thoại, người đứng đầu cần thẳng thắn trao đổi, không xuôi chiều, không hứa hão. Việc gì trong thẩm quyền mà đã hứa phải làm bằng được, thế người dân mới tin, lần sau mới tham gia góp ý”, bà Hằng chia sẻ kinh nghiệm.

Chọn trọng tâm, tăng trách nhiệm

Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả, kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, bên cạnh sự chủ động của địa phương rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành thành phố. Trong đó, việc cần làm ngay là khi có đề nghị của địa phương, các sở, ban, ngành cử cán bộ hoặc tổ công tác hỗ trợ phải là những cán bộ thật sự am hiểu, có năng lực, thay vì những người “chỉ đi nghe rồi về báo cáo”.

Từ những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội tiếp tục xác định công tác đối thoại tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, “chìa khóa” quan trọng để nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề người dân quan tâm. Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại hằng năm, nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; đề ra giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị tham mưu tổ chức; phân công rõ tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm việc tham mưu, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quyết định.

Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền có các cơ chế tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cử đại diện tham gia đóng góp ý kiến có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân. Xây dựng các cơ chế phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội nắm tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tập hợp những kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; thực hiện vai trò giám sát đối với việc thực hiện các kết luận sau hội nghị, giải quyết kịp thời những nội dung góp ý, phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân cần đẩy mạnh hơn nữa, qua đó phát huy dân chủ gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Đồng chí lưu ý, khi tổ chức hoạt động đối thoại, các cấp cần chọn những vấn đề trọng tâm về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, gắn với triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và tình hình địa phương để từ đó thêm các giải pháp phát triển Thủ đô hiệu quả, bền vững hơn.

(★) Xem Trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 21 và 25/10/2022.