Hiệu quả mô hình nuôi tôm không xả thải

Sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản cũng có mặt tiêu cực là vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nước thải. Một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang nghiên cứu và triển khai mô hình nuôi tôm không xả thải nhằm bảo đảm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng tôm.
0:00 / 0:00
0:00
Ao nổi áp dụng mô hình nuôi tôm khép kín tại xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Ao nổi áp dụng mô hình nuôi tôm khép kín tại xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Ngành nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau ngày càng phát triển, tuy nhiên, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chung quanh lại chưa được nâng cao. Do vậy, tình trạng ô nhiễm ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường cũng như sức khỏe con người. Bùn thải, lượng thức ăn dư thừa, lượng phân do tôm thải ra không được xử lý đúng cách, sau một thời gian dài tích tụ, sản sinh ra nhiều chất độc hại. Nguồn nước thải trong quá trình nuôi trồng và chế biến xả trực tiếp theo đường ống ra các khu vực lân cận cũng gây ảnh hưởng đến con người và vật nuôi.

Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã phối hợp Viện Khoa học Thủy sản 2 thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm không xả thải tại các huyện Cái Nước và Đầm Dơi; hay còn gọi là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn sử dụng công nghệ tuần hoàn, ít thay nước và an toàn sinh học, đã được đầu tư và thử nghiệm lần đầu tiên tại tỉnh.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Phan Tấn Thanh cho biết, theo đánh giá, 100% mô hình thí điểm không xả thải hoặc ít xả thải đã có biện pháp xử lý bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh sang các vuông nuôi khác. Sở đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đề tài cấp nhà nước nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý nước tuần hoàn và bùn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn Cà Mau và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tên là “3R cho nuôi trồng thủy sản thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - 3R4CSA”, được thực hiện tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước từ tháng 5/2023 đến nay.

Theo chia sẻ của các hộ dân nuôi, mô hình mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí hóa chất xử lý, nhân công và thay nước cho ao nuôi tôm, sản lượng tăng hơn 20% so với trước đây. Ông Huỳnh Thái Nguyên, chủ nông trại tôm ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước cho biết: Qua vụ vừa rồi, tốc độ phát triển tôm tốt, giảm được chi phí cơ bản như hóa chất, xử lý nước đầu vào, nhân sự vận hành khu nuôi.

Với mô hình này, phân tôm được thải ra ao bay, ao lắng sau đó chuyển ra ao cá rô phi, nhờ đó có thêm thu nhập từ ao cá rô phi. Sau khi cá rô phi thải ra sẽ được chuyển qua 3 ao lắng, lọc nước bằng rong rồi chuyển về ao tôm. Quy trình vận hành khép kín tất cả. Quá trình vận hành, nước tiêu hao do bốc hơi sẽ được châm bù nước vào. Mô hình này cần 4.500m2 diện tích đất để làm ao nuôi và ao dèo; hệ thống tuần hoàn nước diện tích 6.500m2; tổng kinh phí lên đến hơn 2,1 tỷ đồng, gấp 3 lần so với nuôi truyền thống.

Tuy nhiên, mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, kiểm soát được yếu tố môi trường, nâng cao tỷ lệ sống và an toàn sinh học. Đây là hệ thống khép kín và tái sử dụng nước lớn hơn 90%, nên giảm thiểu khả năng lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước.

Tại Bạc Liêu, kỹ thuật nuôi tuần hoàn nước hiện không còn lạ lẫm đối với người nuôi tôm. Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình này chiếm lượng lớn ở Bạc Liêu với mức khoảng 80% số hộ nuôi. Tình trạng nuôi tôm rồi xả thải trực tiếp ra kênh rạch hầu như không còn nên tỷ lệ thành công của nuôi tôm siêu thâm canh đạt hơn 80%. Đáng chú ý, loại tôm cỡ 20 con/kg đang rất phổ biến trong dân.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Trúc Anh tại Bạc Liêu dành một khoảng đất nhỏ làm nơi gom nước thải về rồi xử lý, lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học, bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo kiểu dích-dắc nhằm bảo đảm nước được lọc sạch hoàn toàn, trước khi đưa qua ao thứ 5 rồi bơm ngược trở lại ao nuôi. Trong quá trình nuôi, công ty đã sử dụng các chế phẩm từ sinh học thay cho hóa học, bổ sung khoáng có khả năng thay 100% vôi cho ao nuôi, giúp tiết kiệm chi phí, giảm công lao động và chống trơ đáy ao.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học còn giảm được rủi ro nhờ kiểm soát tốt môi trường, thức ăn và dịch bệnh, từ đó, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng với những con tôm khỏe mạnh, bóng đẹp, không tồn dư kháng sinh hay hóa chất; đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng khó tính và tạo nên thương hiệu cho con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên theo Tổng Giám đốc công ty Lê Anh Xuân, tất cả mọi công đoạn nuôi đều không được xem nhẹ và phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng; người nuôi phải theo một quy trình được kiểm soát nghiêm ngặt, không sử dụng kháng sinh hay hóa chất trong suốt vụ nuôi.

Theo các nhà quản lý và khoa học, đây là kỹ thuật mới so với Việt Nam và thế giới, giúp giảm được chi phí sản xuất, sản lượng đạt 60-70 tấn/vụ, bình quân mỗi năm từ 6-8 vụ, từ đó tăng cường được sản lượng. Bằng mô hình này, số lượng carbon thải ra của 1 kg tôm rất thấp, người tiêu dùng không còn lo sợ hóa chất của các loại thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư khá cao, vì vậy các địa phương cũng cần đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp giúp hộ dân nuôi tôm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã đề xuất chủ trương với UBND tỉnh để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, thực hiện cho vay ưu đãi theo chủ trương của Trung ương nhằm khuyến khích và tạo sự lan tỏa mạnh từ mô hình này.