Hiện thực hóa mục tiêu giao thông xanh

Thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, xe buýt điện đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại Hà Nội và được người dân đón nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, để loại hình phương tiện vận tải công cộng mới này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần sớm xây dựng những chính sách "trợ lực" cho phù hợp thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
Xe buýt điện ngày càng được nhiều người dân Hà Nội sử dụng.
Xe buýt điện ngày càng được nhiều người dân Hà Nội sử dụng.

Từ hơn một năm nay, ngày nào chị Phạm Thu Hằng ở CT20 khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) cũng đi bộ khoảng gần 1 km ra bến đón xe buýt điện E07 của VinBus đến nơi làm việc tại phố Kim Mã. "Từ khi có xe buýt điện, tôi thấy nhàn hơn rất nhiều, vì đi vừa tiện vừa lịch sự, xe đẹp, thái độ nhân viên nhã nhặn. Chắc chắn tôi sẽ gắn bó với xe buýt điện lâu dài", chị Hằng chia sẻ.

Nhiều người sau khi "đi thử xe buýt điện" cho biết đã chuyển hẳn sang loại hình phương tiện vận tải công cộng văn minh, hiện đại này. Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (VinBus) cho biết, đơn vị đã chính thức tham gia các tuyến xe buýt thuộc hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội từ tháng 12/2021, đến nay đã vận hành chín tuyến buýt điện. Sắp tới, tuyến E10 từ Ocean Park đến sân bay Nội Bài đã được thành phố chấp thuận chủ trương, sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2024.

Với các ưu điểm như không gian thoáng, sàn thấp với nhiều tiện nghi cho hành khách (wi-fi miễn phí, ổ sạc USB, màn hình thông báo điểm dừng…), cùng với thái độ phục vụ lịch sự của đội ngũ tài xế, tiếp viên, xe buýt điện VinBus được người dân Thủ đô đón nhận tích cực, lượng hành khách tăng trưởng liên tục.

Đến tháng 8/2023, các tuyến xe buýt điện đã vận chuyển được hơn 43 triệu lượt hành khách, trong đó có những tuyến đứng tốp đầu toàn mạng về số lượng khách (như các tuyến E01, E03). Hiện có hơn 4.000 người sử dụng xe buýt điện để đi lại thường xuyên hằng ngày bằng vé tháng, trong đó có tới 90% là người làm công sở, văn phòng. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi xe buýt điện đã thu hút được đối tượng khách hàng có yêu cầu dịch vụ cao cấp chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng (tỷ lệ này của toàn mạng chỉ chiếm 33%).

Theo lãnh đạo VinBus, dù bước đầu đã được người dân đón nhận, nhưng hằng quý, công ty đều tổ chức khảo sát trực tiếp để lấy ý kiến khách hàng đánh giá về chất lượng dịch vụ, qua đó cải thiện những vấn đề hành khách chưa hài lòng.

Theo kết quả kỳ khảo sát trải nghiệm của hơn 3.100 khách hàng quý II/2023, có 90,3% khách hàng đánh giá cao chất lượng dịch vụ của VinBus. VinBus cũng là đơn vị hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt duy nhất được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá xếp hạng 5 sao theo kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022.

Bên cạnh việc đầu tư phương tiện hiện đại, công nghệ tiên tiến, VinBus còn tiên phong trong hành trình xây dựng giao thông công cộng xanh-văn minh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Theo tính toán, từ khi vận hành tuyến buýt điện đầu tiên đến ngày 15/9/2023, hành khách đã cùng VinBus giảm phát thải 22.954 tấn CO2 ra môi trường, tương đương với việc trồng 1.057.801 cây xanh tại các đô thị.

Chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế trợ giá của xe buýt điện, hiện VinBus đang hoạt động thí điểm theo định mức của loại xe có chi phí thấp hơn (CNG), doanh nghiệp phải bù lỗ cho phần thiếu hụt này. Trong khi xe buýt điện có chi phí đầu tư ban đầu cao (giá xe gấp 2,5 - 3 lần xe diesel) dẫn đến chi phí lãi vay cho đầu tư phương tiện lớn. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ chi phí lãi vay cho doanh nghiệp. Đây là rào cản và trở ngại lớn đối với các đơn vị tham gia đầu tư cho loại hình vận tải bằng xe buýt điện.

Bên cạnh đó, hiện thành phố chưa có quy hoạch hệ thống hạ tầng trạm sạc, quy hoạch mạng lưới điện tại các khu vực Depot, các trạm sạc tại các điểm đầu cuối xe buýt, gây khó khăn cho việc thiết kế các tuyến buýt phù hợp với đặc thù hành trình của xe buýt điện.

Dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên lãnh đạo công ty khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt điện. VinBus xác định một yếu tố quan trọng quyết định đến việc thu hút khách hàng sử dụng xe buýt là thái độ phục vụ của nhân viên (tài xế và tiếp viên).

Do đó, VinBus sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, bao gồm việc nâng cấp ứng dụng VinBus để thêm tiện ích cho khách hàng (mua vé qua mạng, tra cứu thông tin tuyến, gửi góp ý…); triển khai các ứng dụng công nghệ mới cho hệ thống vé điện tử VinBus.

Theo đó, khách hàng có thể sử dụng vé tháng trên smartphone thay cho hình thức thẻ cứng hiện tại. Đồng thời công ty sẽ tiếp nhận và xử lý kịp thời những góp ý, phản ánh của khách hàng; định kỳ khảo sát trải nghiệm khách hàng, lắng nghe ý kiến, góp ý của khách hàng để ngày một hoàn thiện chất lượng dịch vụ.

Đại diện VinBus cũng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội và công ty Tư vấn để xây dựng hoàn thiện bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho xe buýt điện trình thành phố phê duyệt, ban hành trong năm 2023.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh các tuyến hiện tại để tăng kết nối, tăng lượng khách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tham gia đấu thầu các tuyến xe buýt điện, năng lượng sạch theo chủ trương của thành phố.