Hà Nam xây dựng Trung tâm điều hành thông minh

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam là mô hình tiên tiến bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; qua đó góp phần xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam, xây dựng thành phố thông minh tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu các tiện ích tại Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam.
Giới thiệu các tiện ích tại Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2020, được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cũng như xây dựng chính quyền điện tử.

Đến nay, Trung tâm đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành. Cụ thể, các phần mềm ứng dụng tích hợp online như: Y tế, giáo dục, giao thông, cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh, quản lý văn bản và điều hành, giám sát môi trường, camera thông minh tại một số địa điểm trên địa bàn thành phố Phủ Lý, phần mềm cập nhật offline báo cáo kinh tế-xã hội...

Cùng với đó, hoạt động bộ máy chính quyền, dịch vụ công được thực hiện trên không gian mạng, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành liên thông bảy cấp chính quyền và liên thông với các bộ, ngành trung ương trên Trục liên thông văn bản quốc gia, các văn bản điện tử gửi trên hệ thống phần mềm đã ký số hoàn toàn; cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 86,3% (trung bình cả nước đạt 58,2%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 57,8% (trung bình cả nước đạt 12,8%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 93% (trung bình cả nước đạt 63,7%).

Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Hà Nam là tỉnh được lựa chọn thí điểm hai thủ tục liên thông: Đăng ký khai sinh-Đăng ký thường trú-Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử-Xóa đăng ký thường trú-Hỗ trợ mai táng phí, đã triển khai hiệu quả tại 109 xã, phường, thị trấn; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh thành phố Phủ Lý...

Xác định chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu, khách quan và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội, năm 2023, Hà Nam đặt mục tiêu chuyển đổi số dựa trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó có việc nghiên cứu, tập trung xây dựng, phát triển đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, triển khai chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh gắn với thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm.

Với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, đến nay, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý.

Cụ thể, các phần mềm ứng dụng tích hợp trực tuyến: Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, y tế, Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Phủ Lý (đã tích hợp 10 camera), Các chỉ số cơ bản về kinh tế-xã hội; được các ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống định kỳ.

Trung tâm hoạt động hiệu quả giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời Trung tâm điều hành là nơi phân tích dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác bảo đảm chính xác, minh bạch.

Để Trung tâm điều hành thông minh hoạt động hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục đưa các tiện ích điều hành thông minh vào chức năng trọng tâm của Trung tâm như: Giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động chính quyền; giám sát quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, điều hành an ninh trật tự cộng đồng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch; giám sát thông tin trên internet...; đồng thời thành lập các tổ tham mưu, phân tích dữ liệu, họp định kỳ để đánh giá và yêu cầu cập nhật dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; xây dựng dòng chảy dữ liệu trên cơ sở tăng cường tích hợp dữ liệu từ các ứng dụng chuyên ngành; tăng cường sự tham gia của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành để xây dựng bộ chỉ số điều hành, khai thác và cập nhật dữ liệu.

Hà Nam nhân rộng các giải pháp AI camera, ứng dụng công dân số để tăng cường tương tác và tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp; triển khai hệ thống IOC cấp huyện…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng khẳng định: Việc đưa Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả là bước ngoặt quan trọng, là sự khởi đầu cho một quá trình xây dựng, phát triển lâu dài trong tiến trình phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số. Để phát huy công năng, giá trị của Trung tâm điều hành thông minh đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm, góp sức của các ngành, các cấp.

Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dữ liệu trong các lĩnh vực và kết nối với Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh để công tác giám sát, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đạt hiệu quả.