Văn hóa làng quê

Hà Nam phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Tỉnh Hà Nam có số lượng di tích khá lớn, đa dạng về loại hình, phân bổ rộng khắp trên toàn địa bàn. Di tích được Nhà nước xếp hạng, cơ bản đã được bảo tồn và phát huy tốt giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn trống hội tại Lễ hội truyền thống Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng.
Biểu diễn trống hội tại Lễ hội truyền thống Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng.

Đối với các di tích chưa được Nhà nước xếp hạng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ, huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích, mở rộng cảnh quan, khôi phục sinh hoạt văn hóa dân gian, nghi thức tế lễ, lễ hội truyền thống… phục vụ đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng.

Tính đến tháng 9/2023, tỉnh Hà Nam có 230 di tích được xếp hạng, trong đó có hai di tích cấp quốc gia đặc biệt, 95 di tích cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh; 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia, bốn bảo vật quốc gia. Hà Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được tỉnh luôn quan tâm.

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 80 di tích, cụm di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 11 di tích được đầu tư tu bổ lớn. Cùng với nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Hà Nam quan tâm đầu tư kinh phí đối với hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phân loại, xếp hạng di tích, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Từ năm 2016 đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 62 di tích, cụm di tích cấp tỉnh được đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách tỉnh. Hoạt động xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích cũng được các địa phương trong tỉnh quan tâm, triển khai đạt nhiều kết quả. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm nhân dân địa phương, các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh công đức từ 20-30 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích... Nguồn kinh phí xã hội hóa được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Để định hướng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và dịch vụ, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã trình Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt các quy hoạch, đề án, dự án về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, nhất là các di tích có quy mô lớn, giá trị tiêu biểu như:

Danh thắng Tam Chúc, đền Trần Thương, đền Bà Vũ, đền Lảnh Giang, đền Trúc Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, đình Vị Hạ... đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo tổng thể và hàng chục di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh được tu bổ, chống xuống cấp bằng nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa.

Qua đánh giá, các di tích sau khi được quy hoạch, đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch đến tham quan, chiêm bái, góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh và các địa phương.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích.

Vì vậy, nhiều di tích đã được tu bổ, chống xuống cấp kịp thời, phát huy hiệu quả, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, nơi gắn kết cộng đồng làng, xã. Nhiều di tích trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc.