Thực tế, có một nghịch lý: Trong các loại hình giải trí như đờn ca tài tử, cải lương… thì hát bội có yêu cầu khó nhất và có tính nghệ thuật rất cao nhưng ngày càng ít công chúng thưởng thức.
Mỗi năm vài suất diễn cúng đình
Ông Huỳnh Văn Răng, 86 tuổi, nhà ở ấp An Hương 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, làm bầu gánh hát bội Đồng Thinh ở xứ này. Gánh hát bội này từng tạo nên nhiều tên tuổi ở tỉnh Cửu Long cũ (gồm Vĩnh Long và Trà Vinh ngày nay), do ông bầu Lê Thành Lợi làm chủ gánh. Sau, đổi tên thành gánh hát Bông Hồng Vàng do Nhà nước quản lý. Khi các loại hình nghệ thuật, giải trí khác lần lượt ra đời, hát bội không còn được nhiều người thưởng thức.
Nhận thấy hát bội có nguy cơ mai một, ông Răng đã xin lập lại gánh hát lấy tên hiệu Đồng Thinh như muốn níu giữ một thời vàng son đã mất. Lão nghệ sĩ kể, đường sá miền tây trước đây cách trở, để có "sô" diễn, gánh hát bội phải đi hát tận miệt Trà Vinh, Minh Hải (Cà Mau, Bạc Liêu xưa). Di chuyển bằng ghe máy đuôi tôm, một đoàn năm, bảy chiếc rong ruổi ngược xuôi khắp đồng bằng. Lũ trẻ chào đời cũng ở trên ghe. Oe oe khóc đã nghe tiếng hát bội, rồi thành quen, ăn vào trong máu. Lớn lên, đứa trẻ thành nghệ sĩ "vườn", tiếp nối nghiệp cha ông...
Khi đất diễn không nhiều, anh chị em nghệ sĩ tứ tán, mỗi người kiếm một nghề làm kế sinh nhai. "Mỗi năm chỉ vài suất diễn vào dịp cúng Kỳ yên đình thần thì sao anh em nghệ sĩ sống được", bầu Răng ngậm ngùi nói.
Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm, Phân hội Trưởng Sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, truyền nhân của bầu Răng kể, hồi xưa, tới lễ Kỳ yên là cả xã rộn ràng, người người háo hức đi xem hát bội. Mấy chiếc ghe bầu của đoàn hát bội vừa cập bến là người dân mừng rỡ reo hò, cùng xúm vào phụ giúp. "Cánh đào hát, kép hát cũng tranh thủ tìm góc nào thích hợp ở trong đình để trải đệm, giăng màn làm nơi ăn, chốn ở suốt mấy ngày lưu diễn. Đám con nít quanh đình nghe có gánh hát về, ríu rít tới coi cho biết mặt nghệ sĩ ngoài đời…", nghệ sĩ Vũ Linh Tâm kể lại kỷ niệm thời vàng son của hát bội.
Thêm đất diễn, đào tạo lớp kế thừa
Theo nghệ sĩ Vũ Linh Tâm, hát bội là loại hình nghệ thuật hình thành sớm nhất ở vùng đất phương nam, có nguồn gốc từ hát bộ cung đình theo chân những người nam tiến.
Hát bội là loại hình nghệ thuật đặc biệt với tính tượng trưng, cách điệu đặc thù. Ví như cưỡi ngựa thì vị tướng soái cầm một cây roi có cột vải xanh, vải đỏ, tượng trưng cho con ngựa. Còn tướng soái chỉ huy cả 10 vạn binh, nhưng chỉ mang sau lưng cờ trận, kỳ hiệu của những đội quân do ông thống lĩnh. Thế nhưng, cái tài của người nghệ sĩ là khả năng diễn xuất, thần thái uy nghiêm làm cho khán giả tin là đang điều binh khiển tướng y như thật.
"Để sống với nghề không dễ chút nào. Anh em nghệ sĩ hát bội có nghề đúng nghĩa ở Vĩnh Long giờ đếm không đầy hai bàn tay. Trong thời buổi có nhiều loại hình giải trí, những loại hình có tính nghệ thuật càng cao càng ít người xem. Một thời gian dài, hát bội không còn đất diễn", nghệ sĩ Vũ Linh Tâm trải lòng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long) là "cái nôi" của nghệ thuật tuồng cổ hát bội. Thế nên, bằng mọi cách, ngành văn hóa nghệ thuật tỉnh phải gìn giữ cho được loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Để tạo thêm đất diễn và níu giữ các nghệ sĩ yêu nghề, Trung tâm Xúc tiến Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã giới thiệu sản phẩm du lịch mới "Hát bội" đến với du khách trong nước và nước ngoài.
"Trong các tua du lịch của khách nước ngoài, chúng tôi thường "bán kèm" cả suất diễn "trích đoạn" các vở tuồng hay của hát bội cho du khách xem. Thường thì sân khấu diễn tuồng tại các đình làng ở vùng cù lao sông nước An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long", ông Hoanh cho biết thêm.
Cũng theo ông Hoanh, bên cạnh việc truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối xưa nay, những năm qua, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đã chiêu sinh đào tạo nghệ thuật hát bội cho giới trẻ. "Qua mấy khóa đào tạo, hiện, chúng tôi cũng có một số diễn viên trẻ có thể lên sân khấu biểu diễn, góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật này. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận hát bội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để bảo tồn và phát huy tốt hơn những giá trị nghệ thuật của hát bội cho thế hệ mai sau", ông Hoanh cho biết…