Giảm quá tải cho cán bộ cấp phường, xã

Tính bình quân, một cán bộ, công chức tại Thành phố Hồ Chí Minh phải làm việc gấp 3,2 lần so với cán bộ công chức khác trên cả nước. Ðể giảm quá tải cho cán bộ tại những địa bàn đông dân, thành phố kiến nghị Trung ương tăng thêm biên chế so với quy định.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Ðức làm thủ tục hồ sơ nhà đất cho người dân.
Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Ðức làm thủ tục hồ sơ nhà đất cho người dân.

Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một số xã, thị trấn trên địa bàn có khối lượng công việc nhiều hơn cấp phường do dân số đông, địa bàn rộng hơn, trong đó, có ba xã hơn 100.000 dân, chín xã hơn 50.000 dân và 15 xã, thị trấn từ 30.000-50.000 dân. Mặt khác, quy định về chức danh, bố trí số lượng và chế độ, chính sách của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn chưa phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương. Một số nơi có quy mô dân số đông dẫn đến quá tải trong việc quản lý. Chưa kể, số lượng người hoạt động không chuyên trách tại phường tối đa là 14 người không đủ khả năng đáp ứng khối lượng công việc, giải quyết an sinh xã hội dẫn đến tình trạng xin thôi việc.

Ngoài ra, tại các địa bàn đông dân, mặc dù cán bộ công chức phải làm thêm từ 2 đến 3 giờ mỗi ngày sau giờ hành chính nhưng vẫn không thể giải quyết hết số lượng hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ðơn cử, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có 125.894 dân. Trong năm 2021, địa phương này đã ban hành 22.000 văn bản tham mưu về quản lý nhà nước. Bình quân một cán bộ, công chức tham mưu 628 văn bản/năm, 52 văn bản/tháng. Tổng số hồ sơ giải quyết là 113.449 hồ sơ, bình quân một cán bộ, công chức giải quyết 3.241 hồ sơ/năm, 270 hồ sơ/tháng.

Hay tại xã Vĩnh Lộc B có hơn 146.000 dân, gần bằng quận Phú Nhuận, tuy nhiên, xã chỉ có 34 biên chế, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ nên cán bộ, công chức xã luôn trong tình trạng quá tải. Bộ phận công chức tư pháp-hộ tịch, công chức địa chính-xây dựng, đô thị, môi trường tại xã phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn. Riêng bộ phận địa chính, phường phân công lịch làm việc chính thức vào sáng thứ bảy cùng với bộ phận tiếp nhận, trả kết quả. Phường cũng phải phân công cán bộ trực ngoài giờ hành chính để kịp thời xử lý hồ sơ cho dân, xử lý các công trình vi phạm xây dựng…

Số lượng cán bộ, công chức không chỉ bất cập tại những địa bàn đông dân cư mà ngay cả những địa bàn dù dân số không đông nhưng số lượng người dân, doanh nghiệp đến làm việc lại rất nhiều. Một lãnh đạo Quận 1 từng chia sẻ, một ngày có 24 tiếng thì trong 16 tiếng Quận 1 đón khoảng 1 triệu lượt người đến làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện tại địa bàn. Khối lượng công việc cán bộ, công chức phải giải quyết rất nhiều, đến 2-3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng phải quay trở lại làm việc.

Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh có 10 quận, huyện dân số từ 450.000 người trở lên (cao gấp 3,2 lần của cả nước), đặc biệt quận Bình Tân dân số tới 811.000 người; 90/249 phường có dân số từ 30.000 người trở lên, trong đó có 21 phường có dân số hơn 50.000 người đến 75.000 người, 12 phường có dân số hơn 75.000 người đến 100.000 người và ba phường có dân số hơn 100.000 người. Vì vậy, bố trí số lượng công chức bình quân 15 biên chế/phường là không đủ để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc trên địa bàn, gây áp lực lớn đối với các phường có quy mô dân số đông, rất nhiều trường hợp phải nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực.

Từ bất cập nêu trên, trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất số lượng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn tăng thêm một người so với quy định chung, cụ thể xã loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người; số lượng cán bộ phường là 8 người. Ngoài số lượng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn được giao như trên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được phép trình Hội đồng nhân dân giao số lượng cán bộ, công chức xã, thị trấn và cán bộ phường trong biên chế cán bộ, công chức cấp huyện được giao của thành phố.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân phường, xã là cấp cuối cùng trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước nói riêng và trong hệ thống quản lý nhà nước nói chung. Ðây là nơi gần dân, sát dân nhất và là cầu nối giữa nhân dân ở cơ sở với chính quyền cấp trên. Ủy ban nhân dân phường, xã có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Do vậy, cần có số lượng biên chế phù hợp để giảm quá tải công việc cho cán bộ, khi đó chất lượng phục vụ người dân sẽ tốt hơn. Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân sẽ kịp thời hơn, có thêm lực lượng xử lý các vấn đề mà người dân đang bức xúc như vệ sinh môi trường, trật tự lòng lề đường, đất đai - xây dựng.