Vẫn biết văn hóa và du lịch đang dựa vào nhau mà sống. Vấn đề đặt ra là chúng ta đang khai thác thứ văn hóa gì cho du lịch và du lịch kiểu đó có đúng với bản chất du lịch văn hóa hay không? Các địa phương ở Tây Nguyên, mức độ có thể khác nhau nhưng đều giống ở tổ chức, quản lý và khai thác du lịch văn hóa sắc tộc bản địa theo kiểu ăn xổi ở thì, gây ra những tác hại, làm phai nhạt, “chết dần” các giá trị văn hóa đích thực.
Phát triển du lịch một cách ồ ạt, tính tự phát cao, thiếu một chiến lược dài hơi cùng với việc cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch còn mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp; đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu, yếu, ít am hiểu văn hóa. Hệ quả là nhiều giá trị văn hóa quý báu bị hiểu sai lệch, bị bóp méo, nặng tính trình diễn, thiếu chất bản nguyên…
Ở vùng Tây Nguyên, các khu du lịch mọc lên như nấm, nhưng lại thiếu nét đặc trưng của văn hóa tộc người. Nhiều “nhà dài”, “nhà rông” xây mới mà không rõ bản sắc của dân tộc nào. Trong các buổi giao lưu văn nghệ phục vụ du khách, các nghệ nhân của tộc người này lại hát dân ca của tộc người khác. Những điệu múa vốn uyển chuyển và tinh tế trong âm thanh, cồng chiêng hay tiếng đàn tre từng say đắm lòng người, nay cũng bị “bốc lửa hóa” bởi những động tác dẫm chân, ngoáy mông.
Nhiều nơi, nhiều người làm dự án du lịch đã dựng lên những buôn làng “văn hóa sắc tộc” như những phiên bản lỗi. Những nơi đó có kiểu dáng kiến trúc và trang trí mô phỏng buôn làng, có những cảnh phô diễn na ná với văn hóa tộc người, có những người đồng bào dân tộc ít người vì cuộc mưu sinh nên phải “diễn” những điều mà bản thân họ không muốn. Có một thứ “văn hóa” hoàn toàn xa lạ đã được khai thác nhằm phục vụ cho lợi ích của các nhà tổ chức du lịch.
Sống ở Tây Nguyên thì hiểu, không có nghệ nhân dân gian nào lại lên sân khấu với ánh sáng xanh đỏ tím vàng đọc khan (sử thi) qua âm thanh điện tử. Không có thầy cúng nào của buôn làng lại đứng nơi chân cầu thang nhà rông xây bằng xi-măng và gào qua loa những lời khẩn cầu thần linh. Không có vật hiến sinh nào gửi thông điệp lên Yàng lại được mua vội mua vàng ngoài chợ. Không có người anh em dân tộc bản địa nào đóng khố cởi trần mà chân lại đi giày đinh bóng loáng rồi vũ điệu cồng, chiêng gồng mình theo tiết tấu hiện đại. Ở những nơi đó, yếu tố “lạ” đã được các “cò” khuyến khích khai thác cốt thỏa mãn những cuộc chơi ngắn ngày của khách.
Ngay cả di sản văn hóa cồng chiêng, âm nhạc thiêng, phương tiện thể hiện tâm trạng và nhu cầu giao tiếp với thần linh, với thiên nhiên và cộng đồng thân thuộc cũng đã được khoác lên vai một “sứ mệnh” khác. Với rượu cần ủ bằng men hóa học, thịt nướng từ tủ lạnh và thứ cồng chiêng biến dạng chạy theo thị hiếu, du khách thỏa mãn cuộc chơi nhưng đồng thời có những cái nhìn sai lệch và hiểu khác đi về giá trị đích thực. Trong hoàn cảnh này, do mưu sinh, chính những chủ thể của nền văn hóa rừng cũng đang “phản bội” lại những gì mà ông cha họ đã sáng tạo, trao truyền.
Không thể phủ nhận rằng, du lịch có thể được coi là một trong những cứu cánh trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, nhưng thực trạng khai thác lệch lạc, tổ chức bát nháo, vô lối đang xảy ra ở nhiều nơi. Ngành văn hóa, du lịch và chính quyền các cấp cần phải nhìn nhận sâu sắc vấn đề và phải đưa ra những giải pháp phù hợp; làm thế nào để vừa khai thác hiệu quả di sản văn hóa để phát triển du lịch vừa lấy du lịch làm phương tiện để bảo tồn văn hóa, nhưng phải là những sản phẩm, những giá trị văn hóa đích thực.