Rừng và văn hóa Tây Nguyên

Với Tây Nguyên, không thể phủ nhận rằng, chúng ta đã có những chính sách ưu đãi, cũng như đã rất lo lắng về sự mai một của nền văn hóa truyền thống quý giá ở khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00

Chúng ta đã tốn hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho các dự án điều tra, sưu tầm sử thi, mở lớp truyền dạy sử thi, dạy đánh cồng chiêng, thậm chí còn định lập cả xưởng đúc cồng chiêng... Ðó là những việc làm đúng, nhưng chưa cứu vãn được văn hóa Tây Nguyên ở phần gốc mà mới chỉ giải quyết được ở phần ngọn.

Gần đây, người ta hay nói đến văn hóa Tây Nguyên với những cồng chiêng, múa xoang, nhà rông, hoa văn, đua voi, rồi lễ hội... Nhiều hơn chút nữa là các trường ca, những Ðăm San, Xinh Nhã, Khirlh Dù, Dông Dư, Ðăm Noi... Tất nhiên, đấy đều là những biểu hiện độc đáo của văn hóa Tây Nguyên, nhưng ít thấy ai nhắc đến một yếu tố quan trọng hàng đầu, yếu tố làm nền, làm nên tất cả những thứ ấy: Rừng.

Rừng trong đời sống xã hội và con người, rừng trong văn hóa Tây Nguyên. Nếu không hiểu rừng, ý nghĩa và vai trò của nó trong đời sống con người ở đây thì rất khó, hoặc hầu như không thể hiểu gì về Tây Nguyên, con người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên!

Nền văn minh Tây Nguyên là một nền văn minh thảo mộc, như nhà dân tộc học nổi tiếng Jacques Dournes đã nói. Mọi thứ trong làng, trong nhà, mọi thứ để sống đều gắn bó với rừng: Cột nhà, sàn và vách nhà, mái nhà..., nhà rông hay nhà dài để sinh hoạt cộng đồng, cây cột trâu để tế thần, hạt lúa và cây rau để ăn, cây đàn để tình tự...

Với người Tây Nguyên, rừng hoàn toàn không chỉ là vật chất, là tài nguyên, là môi trường theo nghĩa hẹp; rừng còn là tâm linh. Vì vậy nó là cội nguồn văn hóa. Khó có thể tìm ra được một biểu hiện văn hóa nào ở đây mà không liên quan đến rừng, không có mối quan hệ sâu xa của con người với rừng!

Có điều, hiện nay do những nhân tố chủ quan và khách quan, diện tích rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp - đồng nghĩa với không gian sống bị phá vỡ. Ở một địa phương có một kinh nghiệm rất hay và đã được luật pháp cho phép; đó là giao rừng cho làng.

Giao rừng cho làng thì văn hóa tất sẽ sinh ra. Văn hóa là cái không thể đem cho, bán, tặng, đổi chác được. Nó chỉ nảy sinh trong đời sống sinh tồn của mỗi cá thể. Ngược lại, nếu không giữ rừng, nếu tiếp tục tàn phá rừng, tiêu diệt rừng như nó đã và đang tiếp tục bị tiêu diệt thì đừng nói gì đến văn hóa, đến bảo vệ văn hóa.