Trong nhiều vụ kiện phức tạp, theo phong tục, tập quán của đồng bào, kết quả phân xử thắng, bại chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố rủi, may. Đáng nói là, những yếu tố đó lại được tuân thủ gần như tuyệt đối bởi đồng bào cho rằng đó chính là ý chí của các đấng siêu hình, thậm chí có không ít hủ tục đang tồn tại khiến người nghe không khỏi... rùng mình.
Sự tồn tại của những hủ tục đang tiếp tục đặt ra bài toán nan giải, bởi vì hủ tục không chỉ là thói quen bình thường, nó được duy trì qua nhiều thế hệ; không ít hủ tục đã đưa tới hậu quả khó lường. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải hiểu nguyên nhân sâu xa của những hủ tục mới có được cách giải quyết hợp lý.
Các nguyên nhân sâu xa cần được xem xét từ góc độ lịch sử văn hóa xa xôi trong quá trình phát triển tộc người. Các hủ tục ra đời khi trình độ phát triển tộc người còn rất hoang sơ. Mọi thế lực bên ngoài đối với họ đều thần bí mà năng lực nhận thức lúc bấy giờ còn hạn chế, chưa giúp họ tìm ra cách lý giải để họ có thể xử lý mọi tình huống xảy ra.
Có thể nói, trong nhận thức của họ có một khoảng tối. Cuộc sống ngày càng văn minh thì khoảng tối ấy về cơ bản bị đẩy lùi, tuy nhiên một góc tối vẫn còn tiềm ẩn trong ký ức tộc người. Mỗi khi ánh sáng văn minh tỏ ra yếu ớt, thì khoảng tối sẽ lan rộng. Đó chính là lúc hủ tục chi phối hành vi mù quáng của con người.
Do đó, giải pháp hàng đầu cần làm là nâng cao trình độ nhận thức cho người dân bằng những hoạt động tuyên truyền sâu rộng dưới nhiều nội dung, hình thức; gắn việc bài trừ hủ tục với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Với phương châm hoạt động gần dân, lắng nghe tình cảm, nguyện vọng của dân, chính quyền các địa phương cần chú trọng duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp; đồng thời tranh thủ uy tín của các già làng, trưởng thôn, các chức sắc tôn giáo trong việc vận động bài trừ hủ tục…