Đối với bảy nhóm mục tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có bốn mục tiêu cơ bản hoàn thành tại vùng Tây Nguyên gồm: Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4%; nhóm mục tiêu về công tác giáo dục; mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, đến nay các tỉnh đã ban hành văn bản về việc điều chỉnh ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm. Về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các địa phương đã báo cáo cấp có thẩm quyền để chủ động bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm cho vay các đối tượng chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025, một số tỉnh đã ban hành nghị quyết lựa chọn huyện thí điểm.
Nhìn chung, quá trình thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trong những tháng đầu năm 2024 tại vùng Tây Nguyên đã có nhiều thuận lợi; kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng Tây Nguyên còn gặp những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ. Theo các tỉnh Tây Nguyên, đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên. Do vậy, các địa phương không có cơ sở triển khai các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này.
Bên cạnh đó, quy định tại Khoản 1 Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc chưa phù hợp với nguyên tắc “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất” tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các xã thuộc khu vực III, khu vực II quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thì sẽ thôi hưởng các chính sách an sinh xã hội, gây khó khăn cho các địa phương. Do vậy, đề nghị xem xét cho các xã này được duy trì thụ hưởng chính sách hỗ trợ khu vực III, khu vực II trong thời gian từ 3-5 năm…