Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, không những giúp ổn định, nâng cao đời sống đồng bào mà còn góp phần vào sự phát triển chung của các địa phương.
Đơn cử như tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thực hiện bảy chính sách do Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành quản lý, chỉ đạo. Các chương trình, dự án trong giai đoạn này có tổng giá trị nguồn vốn gần 305 tỷ đồng, thực hiện đầu tư, duy tu, bảo dưỡng gần 600 công trình trên địa bàn khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, thăm hỏi…
Các chính sách này đã giúp đời sống kinh tế-xã hội người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, so với mặt bằng phát triển chung, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; các hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan còn chậm khắc phục; tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh trật tự...
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên tập trung triển khai nhiều chính sách do Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành quản lý, chỉ đạo; gồm các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Đề án về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy và hỗ trợ bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn lực đầu tư của giai đoạn này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, bao trùm các lĩnh vực từ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng... cho đến giáo dục, y tế, bảo tồn các giá trị văn hóa. Nhờ vậy, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có bước phát triển toàn diện.
Các tỉnh Tây Nguyên sẽ tăng cường hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế-xã hội so với bình quân chung; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục chất lượng cao; nâng cao các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa xã hội nhằm từng bước phát triển toàn diện, nhanh, bền vững; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia…