Nâng tầm giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng

Những năm gần đây, việc mở những lớp truyền dạy về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được các tỉnh Tây Nguyên hết sức quan tâm.

Một trong những di sản quý giá được đặc biệt chú ý là truyền dạy nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên cho các chủ nhân của di sản này cùng với việc chăm lo đời sống của những nghệ nhân đang nắm giữ các giá trị của loại hình văn hóa dân gian độc đáo đã được UNESCO vinh danh “Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại” này. Đây là hướng đi mà các địa phương trong khu vực hướng đến để những giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được gìn giữ, nâng tầm và phát huy giá trị.

Một thực tế dễ dàng nhận thấy là, đời sống xã hội ngày một phát triển theo những chiều hướng hiện đại, những quan niệm về văn hóa của nhiều người trẻ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng có nhiều thay đổi. Bây giờ, không dễ để thuyết phục thanh, thiếu niên Ê Đê, Mnông, Mạ, Cơ Ho… quan tâm những giá trị và nét đẹp của loại hình văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà tổ tiên họ truyền lại qua suốt chiều dài lịch sử. Thấu hiểu điều này, chính quyền và ngành văn hóa các cấp tích cực vận động, thuyết phục các nghệ nhân, thuyết phục cộng đồng chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tham gia sâu các hoạt động văn hóa truyền thống, qua đó, khơi gợi tình yêu của họ đối với những giá trị văn hóa truyền thống; tạo điều kiện, không gian, nhằm khôi phục những điệu cồng chiêng, những nhịp xoang (múa truyền thống), những làn điệu dân ca để có sự kế thừa, học hỏi tiếp nối và đam mê thể hiện.

Chăm lo sinh kế cho những chủ thể của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là thông điệp kêu gọi, còn là lời thôi thúc một tinh thần hợp tác của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều người trong xã hội. Các cơ quan hữu quan cần đưa ra những quyết sách, kế hoạch, chương trình cụ thể, từ việc giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến tạo công ăn việc làm cho nghệ nhân thông qua phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Phát huy nhận thức xã hội về di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên chính là góp phần nâng tầm giá trị cho di sản; tạo niềm tin, động lực giúp các nghệ nhân gìn giữ, phát huy những giá trị bền sâu của loại hình văn hóa đặc biệt độc đáo này trong đời sống đương đại ■