Chuyện mới phát sinh

Những năm gần đây, ở khu vực Tây Nguyên hình thành khá nhiều các khu, điểm công nghiệp. Công ty, nhà máy-nhất là các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và các ngành sản xuất, dịch vụ khác đã về tận buôn làng vùng sâu, vùng xa. Ðó là chưa kể rất nhiều trang trại quy mô lớn đang hình thành tại miền đất đỏ ba-zan màu mỡ Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00

Ðây có thể coi là những tín hiệu đáng mừng, vì sự thay đổi này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, làm đổi thay diện mạo miền núi, nông thôn. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi có thêm nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, thì có một hiện tượng bất thường đã diễn ra ở nhiều địa phương của Tây Nguyên.

Ðó là việc rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bỏ hoang nương rẫy của gia đình để đi làm công nhân hoặc làm việc thời vụ với một phép tính đơn giản: Làm cho doanh nghiệp, trang trại mang lại thu nhập cao và nhanh hơn, lại không cần bỏ chi phí đầu tư như làm vườn nhà mình.

Thực tế đó cho thấy, việc giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, sẽ không phải là biện pháp tối ưu nếu như người nông dân không khai thác hiệu quả quỹ đất, không chăm chút cho mảnh vườn của riêng mình. Ðiều này đặt ra vấn đề: Cùng với việc cấp đất canh tác, chính quyền và các ngành chức năng cần tìm cách giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Trước đây, một số tỉnh từng có kế hoạch thí điểm các mô hình kêu gọi đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ thay vì bằng mọi cách phải tìm quỹ đất để cấp cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để triển khai ý tưởng đó địa phương vẫn chưa tìm ra hướng đi cụ thể, thích hợp. Phải chăng, tự thân các địa phương, cơ sở cần khảo sát kỹ để tìm ra hướng đi phù hợp cho cư dân trên địa bàn. Nên chăng, mô hình mà một lãnh đạo huyện ở Lâm Ðồng gợi ý sau đây là thiết thực.

Ðồng chí này thông tin: “Ðịa phương chúng tôi đã và đang thí điểm mô hình vận động nông dân góp cổ phần với các nhà đầu tư bằng cách cho các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất của gia đình họ như một cách góp vốn với tỷ lệ lợi nhuận được chia theo hình thức có lợi cho người dân. Nhà đầu tư bỏ vốn, người dân góp đất và công lao động. Mô hình này được người dân địa phương rất ủng hộ, tuy nhiên đến nay quy mô chưa nhiều. Huyện chúng tôi cũng chưa dám nhân rộng vì tại địa phương chưa có tiền lệ về cách làm này”.

Nên chăng, cần nhân rộng mô hình nói trên một cách phù hợp với từng địa phương. Về cơ bản, đó là giải pháp vừa giải quyết vấn đề tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, vừa không để ruộng vườn gia đình của họ bị hoang hóa, lãng phí.