Hiện nay các tỉnh tại khu vực Tây Nguyên đã tập trung xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; tổng kiểm kê di sản văn hóa tiêu biểu; hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các tộc người; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa; hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào.
Có thể thấy, nhiều nghi lễ, lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, trò chơi dân gian được khôi phục. Những ngày hội văn hóa dân tộc thiểu số được các cấp tổ chức thường xuyên. Đáng chú ý, việc UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại" là sự vinh danh xứng đáng.
Để có được sự công nhận cao quý này là nhờ một quá trình Nhà nước thực thi những chương trình đầu tư nhằm nâng cao nhận thức, tôn trọng, bảo tồn và khơi dậy niềm tự hào về giá trị báu vật văn hóa mà tổ tiên đã sáng tạo nên trong cộng đồng các dân tộc anh em.
Các phần trình diễn tái hiện các nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. |
Các đại biểu thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đồng bào. |
Biểu diễn cồng chiêng tại hội thi. |
Cùng với đó, các dự án sưu tầm, phổ biến sử thi, âm nhạc dân gian, luật tục, khôi phục các thiết chế văn hóa cổ truyền đã và đang triển khai là những minh chứng cho sự tôn trọng tuyệt đối hệ thống di sản. Ngôn ngữ các tộc người được tổ chức dạy, học và khuyến khích sử dụng. Hàng nghìn nghệ nhân dân gian các dân tộc thiểu số được Nhà nước tôn vinh.
Sự bảo đảm một phần quyền tự quyết của đồng bào còn được thể hiện khi Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp của các già làng, nhân sĩ, trí thức và tạo cơ hội bình đẳng trong việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
Bảo tồn và phát huy quyền tộc người và văn hóa tộc người là một trong rất nhiều nỗ lực nhằm rút ngắn dần khoảng cách, tạo cơ hội thịnh vượng đồng đều giữa các dân tộc; điều đó cũng thể hiện sự tiến bộ trong việc bảo đảm quyền con người tại cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Khi mỗi dân tộc được tôn trọng bản sắc thì càng góp phần củng cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ hội bình đẳng, cùng phát triển trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia.