Triển khai thực hiện Thông báo số 173-TB/TW, ngày 6/4/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Hà đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành văn bản chỉ đạo về việc đặt mua, đọc báo, tạp chí của Đảng.
Qua đó, cụ thể hóa các chủ trương, kết luận, chỉ thị, nghị quyết… của Đảng vào thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, tạo đà thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương.
Mỗi tờ báo là “bảo bối” không thể thiếu trong công tác tuyên truyền
Sinh năm 1960 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, già A Lát tại thôn Kon Jong, xã Ngọk Réo là một trong ít người dân tộc Xê-đăng tại địa phương có điều kiện được học hành bài bản và trải qua nhiều vị trí công tác trong cấp ủy, chính quyền địa phương.
Già A Lát (giữa) tiêu biểu trong công tác tuyên truyền vận động người dân học và làm theo báo Đảng. |
Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, già A Lát cho biết: Sau khi về hưu, ông tiếp tục được nhân dân bầu đảm nhiệm nhiều vị trí trong mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Để nói đúng, nói hay cho người dân nghe theo, bên cạnh kiến thức và bề dày kinh nghiệm, ông luôn có những món “bảo bối” song hành hằng ngày, đó là những tờ báo được xã cấp phát cho các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội tại cơ sở như Báo Nhân Dân, báo Kon Tum và Tạp chí Cộng sản…
Già A Lát, thôn Kon Jong, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà
Dù ở vị trí nào, già A Lát cũng phát huy được với kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy qua nhiều năm về đời sống kinh tế-xã hội, phong tục tập quán của người dân để vận dụng vào công tác tuyên truyền, vận động bà con.
Già A Lát cho biết: Để nói đúng, nói hay cho người dân nghe theo, bên cạnh kiến thức và bề dày kinh nghiệm, ông luôn có những món “bảo bối” song hành hằng ngày, đó là những tờ báo được xã cấp phát cho các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội tại cơ sở như Báo Nhân Dân, báo Kon Tum và Tạp chí Cộng sản…
“Thông qua những bài viết chuyên sâu trên báo, mình phải dùng kiến thức thực tiễn tại địa phương để chọn lọc và đúc kết những nội dung phù hợp, để tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn làm theo. Đối với bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thôn thì mình phải tuyên truyền các nội dung gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ như: Chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; Chủ trương của Tỉnh ủy Kon Tum, Huyện ủy Đăk Hà về thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Hay như các mô hình phát triển kinh tế về cải tạo vườn tạp để phát triển trồng trọt, chăn nuôi… để bà con học tập, làm theo”, già A Lát chia sẻ.
Già A Lát (thứ 2 từ trái sang) trao đổi công tác tuyên truyền với bộ đội tại địa phương. |
Theo Bí thư Chi bộ thôn Kon Jong A Thảo, thôn hiện có 92 hộ dân với trên 350 nhân khẩu thuộc 8 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, có trên 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo công giáo. Trong thời gian qua, Chi bộ, Ban quản lý thôn và Ban công tác Mặt trận thôn đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí của Đảng cấp về cho chi bộ cơ sở. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Đến nay, thu nhập bình quân trong thôn đạt trên 47 triệu đồng. Thôn đạt 10 tiêu chí nông thôn mới về xây dựng thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh phát triển kinh tế, nhân dân làng Kon Jong đã tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Trong đó, có nhiều mô hình kinh tế mới được bà con nhân dân tiếp thu, học hỏi và triển khai có hiệu quả như mô hình nuôi dê cỏ, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà-phê… Mình học theo báo, làm theo báo của Đảng thì mới hiểu biết, nói cho bà con nghe theo”, đồng chí A Thảo chia sẻ.
Để trang báo đi vào thực tiễn với đồng bào dân tộc thiểu số
Theo già làng A Nhen (dân tộc Ba Na, nhánh Rơ ngao) tại thôn Đăk Tiêng K’Lah, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, sự phát triển của công nghệ hiện nay như: Mạng xã hội, điện thoại thông minh… mang theo mặt trái là một bộ phận người dân tộc thiểu số bị thụ động trong việc tiếp cận thông tin. Do vậy, vai trò của cán bộ cơ sở và những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng trở nên quan trọng hơn. Chính việc đọc, nghe theo các bài viết trên các ấn phẩm báo chí chính thống, tiếp cận và làm quen với nhiều thể loại bài viết, các tài liệu chuyên sâu. Nhờ đó, giúp ông kịp thời tiếp thu, nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như mở mang kiến thức về xã hội để vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình và tuyên truyền vận động bà con.
Đồng chí A Thảo (trái) thường xuyên đọc và làm theo báo Đảng để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền. |
“Khi mình thấy những cách làm hay, mô hình hiệu quả, phù hợp với bà con mình phải có sự hiểu biết nhất định và phải làm trước. Thí dụ như trước đây, bà con mình có thói quen chăn thả bò, dê ngoài ruộng, ngoài đường, vừa không có hiệu quả, vừa gây ô nhiễm khu dân cư. Tôi học trên báo thấy hướng dẫn chăn nuôi có chuồng trại, tôi cũng học theo để làm chuồng trại, rồi tự trồng cỏ, mua máy về băm cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò, cho dê. Dân làng thấy mình làm có kinh tế, lại sạch sẽ, an toàn cho đàn bò, đàn dê thì học hỏi theo. Mình lại lấy kiến thức học được để hướng dẫn cho họ làm theo. Từ đó, giúp cho làng, cho xã mình ngày càng phát triển hơn”, già làng A Nhen chia sẻ.
Đẩy mạnh việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Hà Chu Văn Hiền cho biết, việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng một cách thường xuyên, liên tục đã góp phần trực tiếp và quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trên địa bàn huyện. Từ đó, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân, góp phần đấu tranh có hiệu quả các quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và phần tử phản động đang âm mưu chống phá Đảng.
Các chi bộ trên địa bàn huyện Đăk Hà thực hiện tốt việc đọc và làm theo báo Đảng |
Việc đọc và làm theo báo Đảng hiện nay đã được quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc và mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển của các phương tiện truyền thông nên việc đọc báo, tạp chí Đảng có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa trở thành thói quen trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Việc phát báo của bưu điện tại một số đơn vị, địa phương chưa kịp thời; công tác quản lý, sử dụng, lưu trữ báo, tạp chí Đảng ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa phát huy hiệu quả.
“Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, chúng tôi sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc, các chi bộ khu dân cư xây dựng và nhân rộng các mô hình đọc và làm theo báo Đảng. Đặc biệt đối với các chi bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí Bí thư chi bộ, Ban quản lý thôn cũng như người đứng đầu các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội.
Thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp thôn, khu dân cư định kỳ, các hoạt động đoàn-hội… để tuyên truyền, định hướng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số biết chọn lọc thông tin, nhất là các thông tin không chính thống. Từ đó, đưa việc đọc, nghe và làm theo báo Đảng trở thành thói quen mang tính liên tục, hiệu quả”, đồng chí Chu Văn Hiền nhấn mạnh.