Tính đến hết tháng 3/2023, huyện Nam Đàn đã cân đối ngân sách chuyển hơn 2 tỷ đồng sang Ngân hàng chính sách xã hội huyện, đưa tổng nguồn vốn đến hết ngày 31/3 đạt 515 tỷ đồng. Đây là nền tảng để Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Đàn triển khai hiệu quả 12 chương trình tín dụng, đáp ứng từng nhu cầu thiết thân của người nghèo và đối tượng chính sách trên con đường giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, hòa mình vào công cuộc phát triển kinh tế địa phương và đất nước.
Thoát nghèo bền vững
Gia đình chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh trước đây thuộc diện hộ nghèo “đứng đầu danh sách” của xã. Năm 2015, chị vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò.
Đến năm 2018, gia đình chị đã thoát nghèo và trả hết nợ. Nhưng để thoát nghèo một cách bền vững, năm 2021 chị Vinh tiếp tục mạnh dạn vay chương trình hộ cận nghèo 30 triệu đồng để đầu tư mua thêm cặp bò. Hiện gia đình chị có 4 con bò với tổng trị giá gần 130 triệu đồng.
Còn với gia đình ông Phạm Văn Thanh ở xóm 1, xã Nam Kim nhiều năm liền luôn nằm trong diện hộ nghèo. Kinh tế khó khăn không đủ nuôi 6 thành viên trong gia đình, nhưng với tinh thần ham học của các con nhằm vươn lên thoát nghèo, ông Thanh cũng đã mạnh dạn vay vốn chính sách 200 triệu đồng nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đầu tư cho các con được ăn học đến nơi đến chốn.
Từ năm 2012 đến nay, lần lượt 3 người con của ông đều thi đỗ và học đại học, ra trường xin được việc làm tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Người con vừa đi lao động làm việc tại Nhật Bản. Có việc làm ổn định, các con ông bắt đầu cho thu nhập để cùng gia đình trả nợ dần ngân hàng. Cuộc sống gia đình ông Thanh cũng vì thế ngày một tốt dần lên.
Chia sẻ về hiệu quả của đồng vốn chính sách, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An Nguyễn Sĩ Hải cho biết, hơn 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên quê Bác không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Nam Đàn đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay được 60.906 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.515 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 998 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 22.303 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho hơn 15.830 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động,...
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 1,09%, đời sống của nhân dân nhất là người nghèo ngày càng được cải thiện.
“Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vương Hồng Thái.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vương Hồng Thái.
Điểm tựa đột phá kinh tế
Những hỗ trợ tích cực của Ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần đưa Nam Đàn cán đích nông thôn mới vào năm 2018 và đang hướng tới việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, con đường phát triển không dễ dàng trong bối cảnh tiêu chí hộ nghèo có nhiều thay đổi, và kinh tế những năm gần đây chịu tác động của Covid-19 rồi hậu Covid-19 khiến đời sống người dân ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nông dân xã Nam Nghĩa vay vốn chính sách mở rộng diện tích trồng chanh không hạt. |
Câu chuyện tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trở thành vấn đề bức thiết. Trong đó, việc xây dựng các sản phẩm của địa phương thành sản phẩm OCOP vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống cho người dân vừa đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hướng phát triển kinh tế của gia đình anh Nguyễn Tất Anh và chị Nguyễn Thị Lý ở xóm Xuân Thành, xã Nam Xuân được coi như một trường hợp điển hình cho việc nhận thức rõ xu hướng từ đó lồng ghép vốn tín dụng, thổi luồng gió mới cho sự phát triển mô hình này.
Gắn bó nhiều năm với nghề làm bột sắn dây và bánh nhãn, song việc sản xuất nhỏ lẻ và không có thương hiệu khiến sản phẩm của gia đình anh dù chất lượng cao nhưng việc mở rộng sản xuất khó khăn. Vì vậy, khi nhận thấy giá trị kinh tế của việc sản xuất theo quy trình OCOP giúp hóa giải nút thắt phát triển trước kia, gia đình anh chị quyết định chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm theo kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP. Nhưng kế hoạch bị gián đoạn cho đến khi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã Nam Xuân, anh chị được vay vốn chính sách giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Đàn.
Với 50 triệu đồng vay, cùng tích lũy của gia đình, anh chị đã đầu tư máy móc và các phương tiện phục vụ cho việc sản xuất bánh nhãn và tinh bột sắn bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nhờ có sự chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm theo kinh nghiệm sang sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP mà sản phẩm của gia đình sản xuất ra đều được tiêu thụ và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tin tưởng và làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Những "đồng vốn nghĩa tình"
Như vậy có thể thấy, dòng vốn tín dụng chính sách theo nhiều phương thức từ đầu tư trực diện cho người vay đến thông qua các chương trình hay cho vay tạo việc làm đã góp phần phát triển thêm nhiều mô hình mới trong sản xuất, tạo thu nhập cao. Hiện nay, huyện Nam Đàn đang có 74 sản phẩm OCOP.
“Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn”, Phó Chủ tịch huyện Vương Hồng Thái cho biết thêm.
Nguồn vốn chính sách cũng đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11,3 triệu đồng/người năm 2002 lên 57 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 5 lần so năm 2002). Đến nay, huyện Nam Đàn đã có 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 50%; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 27,78%. Con đường cán đích nông thôn mới của Nam Đàn càng thêm thuận lợi khi hiện có 483 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng chính sách đang cho vay người nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế nâng cao chất lượng sống và thu nhập.