Theo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam Lê Thị Kim Dung, ngay sau khi được Trung ương giao chỉ tiêu vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng đưa vốn đến đối tượng thụ hưởng với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi đến thăm gia đình anh Vũ Ngọc Tú, hội viên Hội Nông dân thôn Nham Tràng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Gia đình anh Tú có mô hình trang trại đa canh với đa dạng các con nuôi, cây trồng như: dê, vịt, cá. Lúc cao điểm anh Tú còn nuôi thêm lợn rừng.
Nhờ nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi này, gia đình anh đã bớt được khó khăn để tiếp tục đầu tư, phục hồi vật nuôi, cây trồng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi, cùng với khó khăn trong tìm đầu ra khiến gia đình anh Tú chịu thua lỗ trong một khoảng thời gian dài. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội vào giữa năm 2022, anh Tú rất phấn khởi. Với việc được hỗ trợ lãi suất 2%/năm thì món vay của gia đình anh được hỗ trợ lãi suất hơn 2 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi này, gia đình anh đã bớt được khó khăn để tiếp tục đầu tư, phục hồi vật nuôi, cây trồng.
Cùng với gia đình anh Tú, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có hàng nghìn hộ được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần giúp các gia đình vay vốn có vốn đầu tư phục hồi sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ.
Theo số liệu thống kê, đến tháng 5/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Nam đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ- CP của Chính phủ với dư nợ đạt hơn 232,5 tỷ đồng với 4.062 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính đạt 19,3 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội đạt hơn 71 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ việc làm đạt 140 tỷ đồng; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 2,2 tỷ đồng.
Các khoản vay có lãi suất cho vay hơn 6%/năm đều được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, đến nay đã có hơn 28 nghìn khách hàng được hỗ trợ lãi suất, tổng số tiền hỗ trợ lên đến 14,2 tỷ đồng.
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam Lê Thị Kim Dung cũng cho biết, thời gian tới, trên cơ sở khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai vay vốn, chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP; tăng cường rà soát đối tượng vay vốn; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP, bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng để kịp thời hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, Ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nhất là tập trung tuyên truyền chính sách cho vay nhà ở xã hội để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất.
“Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu, thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ là một trong những giải pháp sẽ tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh”, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam cho biết thêm.