Đồng hành cùng người nghèo

Hơn 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NÐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, những chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho công tác xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân sinh trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần củng cố lòng tin của người nghèo vào đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Từ vốn vay của Ngân hàng CSXH, ông Phạm Văn Công ở xã Sơn Lang, huyện Kbang (Gia Lai) đầu tư trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ vốn vay của Ngân hàng CSXH, ông Phạm Văn Công ở xã Sơn Lang, huyện Kbang (Gia Lai) đầu tư trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2017, gia đình ông Kpuih Tít (làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Ðức Cơ) đăng ký vay vốn hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng 800 cây cà-phê. Nhờ chăm sóc tốt, đầu tư đúng, chỉ 2 năm sau cà-phê cho thu hoạch, giúp gia đình ông trả hết nợ vay và vươn lên thoát nghèo. Với quyết tâm thoát nghèo bền vững, năm 2020, gia đình ông tiếp tục vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để trồng 400 cây điều và tiếp tục chăm sóc vườn cà-phê.

Ông Kpuih Tít chia sẻ: “Vốn vay được ngân hàng hướng dẫn cụ thể nên gia đình tôi sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Cây cà-phê, cây điều phát triển tốt, cho sản lượng ổn định đã tạo nguồn thu để gia đình trả nợ đúng hạn”.

Tương tự, ông Phạm Văn Công (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) cho biết: Năm 2018, gia đình ông vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để trồng cây ăn trái. Sau 2 năm, gia đình ông đã trả hết nợ vay, sau đó được Ngân hàng CSXH huyện Kbang tạo điều kiện cho vay tiếp 100 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại của gia đình. Hiện nay, vườn cây ăn trái cho thu hoạch mỗi năm 15 tấn cam và quýt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NÐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH Gia Lai đã đạt được những kết quả ấn tượng. Từ 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, sau 20 năm triển khai Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai đã triển khai 17 chương trình tín dụng với doanh số cho vay đạt 16.848 tỷ đồng/783.512 lượt khách hàng vay vốn, trong đó có dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị-xã hội với khoảng 400.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã giúp cho hơn 225.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Gia Lai vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững; thu hút và giải quyết cho 35.000 lao động có việc làm ổn định; trong đó, có 666 đối tượng chính sách được đi xuất khẩu lao động và làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 64.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập.

Cùng với đó, nguồn vốn chính sách còn giúp an sinh xã hội vùng sâu, vùng xa như: Xây dựng hơn 200.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 14.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và gần 230 căn nhà mới cho người có thu nhập thấp. Ðặc biệt, từ nguồn vốn chính sách xã hội địa phương, Ngân hàng CSXH Gia Lai đã giúp cho hơn 125.000 hộ sản xuất, kinh doanh, thương nhân tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; giúp 68 đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho hơn 1.000 lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng CSXH Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: “Trong khi mục tiêu của các ngân hàng thương mại là lợi nhuận thì Ngân hàng CSXH lại đặt hiệu quả xã hội và lợi ích của các đối tượng vay vốn là trên hết. Do vậy, mục tiêu của chúng tôi là làm sao đồng vốn vay đến với đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn, người nghèo nhanh nhất, thuận lợi nhất”.

Trên tinh thần đó, để tạo điều kiện cho hộ vay tiết kiệm chi phí đi lại, ngân hàng xây dựng mạng lưới cộng tác viên và đội ngũ cán bộ trải khắp 209 xã, phường, thị trấn; hằng tháng các phòng giao dịch phối hợp các hội, đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn cho vay, thu nợ, thu lãi và giao dịch tại 222 điểm đặt tại UBND các xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các gia đình khó khăn nhưng không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, nhờ vậy đã hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

“Thời gian tới, ngoài một số chương trình cho vay theo đúng các đối tượng đã triển khai, Ngân hàng CSXH Gia Lai sẽ ưu tiên vốn tăng trưởng hằng năm cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn; tập trung vào các khâu quản lý vốn vay, tuyên truyền hộ vay vốn để phát triển sản xuất; hướng hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả để góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững”, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai cho biết thêm.

Gia Lai là một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46% dân số. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh còn 45.688 hộ nghèo, chiếm 12,09%; 33.866 hộ cận nghèo, chiếm 8,96% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 24.839, chiếm 15,7% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.