Những "đồng vốn nghĩa tình"

Từ thực tế ở Tây Ninh cho thấy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thật sự góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Phạm Văn Út bỏ nghề làm mướn, chuyển sang nuôi bò cái sinh sản, thoát nghèo.
Anh Phạm Văn Út bỏ nghề làm mướn, chuyển sang nuôi bò cái sinh sản, thoát nghèo.

Ðược Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành cho vay 17 triệu đồng, anh Phạm Văn Út (xã Hòa Thạnh) mừng rơi nước mắt vì con số đó thật quá lớn với một hộ nghèo. Từ bỏ nghề làm mướn, vợ chồng anh Út mua hai con bò cái sinh sản, dồn công vào làm chuồng, cắt cỏ, chăm sóc bò. Sau ba năm, đàn bò nhân lên năm con, anh Út mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo và hiện tại, anh Út có đàn bò 20 con, ước tổng trị giá hơn 200 triệu đồng, trở thành nông hộ khá. Theo anh Út, trong quá trình nuôi, hằng năm anh đều tuyển chọn những con đẹp để lại làm bò giống sinh sản, số còn lại anh bán để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, ước tính số bò anh đã bán hơn 25 con, được hơn 500 triệu đồng. "Hành trình thoát nghèo của vợ chồng tôi là nhờ sự cần cù, siêng năng cùng với "đồng vốn nghĩa tình" được vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tôi rất mong bà con nông dân nghèo tiếp cận được nguồn vốn này", anh Út chia sẻ.

Không phải là hộ nghèo như anh Út, nhưng mô hình nuôi cá chạch lấu làm giàu của anh Nguyễn Văn Giàu (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) được nhiều nông dân đến tham quan học hỏi. Với gần một héc-ta đất, anh đã đầu tư số vốn ban đầu khoảng 60 triệu đồng mua cá chạch lấu giống từ tận đồng bằng sông Cửu Long về nuôi thử nghiệm. Khi thấy khả quan, anh làm đơn xin vay được Hội Nông dân xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với mức vay 100 triệu đồng. Anh Giàu kể: "Tôi mạnh dạn đầu tư thêm bốn ao nuôi. Vụ vừa rồi sau 12 tháng nuôi, tôi thu hoạch 3.500 con cá chạch lấu thương phẩm, trọng lượng hơn 1,5kg/con, bán với giá 220.000 đồng/kg, thu được 330 triệu đồng".

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh Ðào Anh Tuấn cho biết: Với nhiệm vụ được giao, trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có tổng doanh số cho vay đạt 1.250,4 tỷ đồng, tăng 513 tỷ đồng so với năm trước (+69,61%), với hơn 37,8 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào một số chương trình: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 401,5 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 118 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội 42,5 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 412,4 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên 174,8 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo 23,4 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 38,9 tỷ đồng... Nhìn chung, các hộ vay vốn luôn nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong sử dụng vốn hiệu quả, có ý thức trả nợ, dành dụm gửi tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo bền vững và nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả được nhân rộng.

Ghi nhận tại Tây Ninh cho thấy, sau một năm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đã có hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, dần vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 để lại. Ông Khúc Ngọc Trung (xã viên Hợp tác xã Xoài tứ quý, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) gặp nhiều khó khăn do đại dịch như vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, giá vận chuyển tăng, đầu ra của xoài tắc... Khi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, ông đã "dễ thở" hơn trong khâu mua phân bón, thuê công tưới, chăm sóc cây... chờ đợi ngày thị trường mở cửa trở lại. Hay như ông Trần Minh Quang (xã Suối Ðá, huyện Dương Minh Châu) làm nghề sản xuất cây kiểng giống. Sau dịch bệnh, ông không còn vốn tái sản xuất, thật may, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dương Minh Châu đã cho ông vay 90 triệu đồng "làm lại từ đầu". Cuối năm 2022, ông Quang "gượng dậy" và còn mở rộng diện tích trồng từ một héc-ta lên bốn héc-ta, kinh tế ngày càng vững vàng.

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, sau một năm triển khai chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đến nay đã có 3.672 khách hàng được tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ cho vay đạt hơn 195 tỷ đồng. Những "đồng vốn nghĩa tình" này đã giúp hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm cho 3.304 lao động; giúp 328 học sinh, sinh viên mua máy tính, trang thiết bị phục vụ học tập; giúp 100 hộ gia đình mua được nhà ở xã hội hay cải tạo, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ 40 cơ sở giáo dục, mầm non ngoài công lập phục hồi hoạt động sau đại dịch; giúp ba doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho 10.710 lao động, tạo điều kiện cho 7.669 lao động có việc làm tăng thêm thu nhập.

UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế-xã hội.