Tạo hành lang kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Chủ động huy động nguồn vốn đầu tư, tỉnh Bình Dương đã và đang đầu tư các tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng tại tỉnh Bình Dương đi vào hoạt động từ tháng 9/2024.
Đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng tại tỉnh Bình Dương đi vào hoạt động từ tháng 9/2024.

Những tuyến đường giao thông quan trọng này khi hoàn thành kỳ vọng sẽ hình thành hành lang giao thông kết nối thông suốt, tạo động lực mới giúp vùng Đông Nam Bộ phát huy nội lực để phát triển và tạo cửa ngõ kết nối thuận lợi hơn với các tỉnh Tây Nguyên.

Tháng 9/2024, tỉnh Bình Dương khánh thành tuyến đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng và cầu Đồng Nai 2. Đây là hai dự án giao thông quan trọng giúp kết nối các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước và lưu thông thông suốt từ Tây Nguyên qua Đồng Nai ra sân bay, cảng biển thuận lợi hơn.

Cùng với đó, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư các công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng như đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một- Chơn Thành...

Chủ động đầu tư giao thông kết nối với các địa phương

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng đựợc khánh thành vào tháng 9/2024 có tổng chiều dài gần 48 km, đi qua ba địa phương gồm các huyện: Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương và một đoạn nhánh 5 km nối từ huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Với tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng (trong đó chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng là 1.531 tỷ đồng), tuyến đường có quy mô sáu làn xe, bề rộng nền đường 40,5m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, khi đưa vào sử dụng sẽ mở ra không gian phát triển mới, kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ ở các huyện phía bắc với các thành phố phía nam của tỉnh Bình Dương và khu vực.

Để tạo điều kiện thuận lợi triển khai nhanh dự án, 851 hộ gia đình, cá nhân và 18 tổ chức thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án đã đồng thuận, đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, sẵn sàng di dời nhà cửa, công trình, vật kiến trúc, cây trái, hoa màu để bàn giao 222 ha đất. Là người dân huyện Phú Giáo, ông Hồ Văn Lợi có đất trong diện giải tỏa chia sẻ, tuyến đường này đem lại lợi ích chung cho địa phương, cho người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển cho nên người dân rất đồng tình ủng hộ.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, tuyến đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng là một trong các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, sau khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đi lại, giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu giao thương và nâng cao năng lực vận tải hàng hóa; tạo động lực và không gian phát triển mới, kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ ở các huyện phía bắc với các thành phố phía nam trên địa bàn tỉnh Bình Dương; kết nối liên vùng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh khu vực Tây Nguyên thông qua các trục giao thông chính như Quốc lộ 13, ĐH.614, ĐT.742 nối Quốc lộ 14,...

Qua đó, tăng thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi chọn tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước làm điểm đến đầu tư, tạo điều kiện để các địa phương tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong thời gian tới.

Tháng 9/2024, tỉnh Bình Dương đã khánh thành cầu Bạch Đằng 2 kết nối xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức chia sẻ, tiếp theo xây dựng cầu Thủ Biên, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất triển khai xây dựng cầu Bạch Đằng 2 để bổ sung kết nối giữa hai tỉnh.

Kinh phí xây dựng cầu Bạch Đằng 2 do hai địa phương cùng đóng góp mỗi tỉnh 50%. Cầu Bạch Đằng 2 đưa vào sử dụng là nhịp cầu nối những bờ vui, người dân hai bên ngày càng xích gần lại nhau hơn, tạo điều kiện phát triển giao thương, vận chuyển hàng hóa, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; đồng thời mở thêm không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho hai tỉnh, cũng như kết nối đến các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, các tuyến cao tốc.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Bình Dương là “Hạ tầng giao thông đi trước mở đường phát triển” nhằm tạo xung lực thúc đẩy kinh tế-xã hội. Ngay sau ngày tái lập tỉnh 1/1/1997, trong điều kiện còn khó khăn, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề ra chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông.

Thông qua việc đầu tư theo hình thức BOT, tỉnh đã giao Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư mở rộng nâng cấp Quốc lộ 13. Công trình có chiều dài 62 km với sáu làn xe nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước, kết nối vào Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện nay) đã tạo động lực cho tỉnh Bình Dương, các tỉnh miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên kết nối lưu thông.

Từ thành công của Quốc lộ 13, các tuyến đường khác tại Bình Dương tiếp tục hình thành thông qua nguồn lực xã hội hóa, trong đó có đường Bàu Bàng-Mỹ Phước-Tân Vạn, góp phần đánh thức các vùng đất tiềm năng như Bến Cát, Bàu Bàng, Tân Uyên phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư hiệu quả.

Theo quy hoạch, giữa tỉnh Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh sẽ xây dựng 26 cây cầu, đã hoàn thành 12 cầu và đang tiếp tục triển khai những cây cầu còn lại. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công, khánh thành các công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng với tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước bố trí khoảng 42.000 tỷ đồng; vốn các nhà đầu tư huy động theo hình thức đối tác công tư (PPP) khoảng 28.000 tỷ đồng). Đối với dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Bình Dương, giai đoạn 1 gồm:

Dự án thành phần 5 (xây lắp) với bốn gói thầu: Xây dựng nút giao Tân Vạn, xây dựng nút giao Bình Chuẩn, xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn và xây dựng cầu Bình Gởi; dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, đến nay gói thầu Xây dựng nút giao Bình Chuẩn thi công đạt 28,31%, gói thầu Xây dựng cầu Bình Gởi đạt hơn 54%, gói thầu Xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn thi công đạt 13,74% so với khối lượng hợp đồng, đồng thời, các gói thầu xây lắp đã giải ngân 1.452,8 tỷ đồng, đạt 25,25% trên tổng mức đầu tư 5.752 tỷ đồng.

Đối với đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 47,5 km, hiện Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã hoàn thiện công tác thẩm định dự án và Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đang phối hợp cùng các đơn vị, nhà đầu tư đề xuất thực hiện điều chỉnh đoạn 12 km đường đô thị để bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc.

Với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 52 km, đến nay dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng) và dự án thành phần 2 (xây lắp) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt. Đối với dự án BOT Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 quy mô tám làn xe từ cầu Vĩnh Bình, giáp Thành phố Hồ Chí Minh đến ngã tư Lê Hồng Phong (thành phố Thủ Dầu Một) dài khoảng 13,8 km, hiện tỉnh Bình Dương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa vào sử dụng dịp lễ 30/4/2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi nhằm kết nối đến sân bay, bến cảng và về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nguồn nhân lực để người dân, doanh nghiệp đi lại làm việc thuận lợi.

Hiện nay tỉnh đang tập trung mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 13, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường vành đai 3, triển khai và chuẩn bị khởi công đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, các tuyến đường kết nối về Thành phố Hồ Chí Minh và ra cảng...

Các tuyến đường này hoàn thành sẽ mở thêm hướng kết nối mới cho tỉnh Bình Dương đến các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng; đồng thời mở thêm không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho các địa phương, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững.