Giảm nghèo bền vững, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”

Mặc dù chịu tác động của tình hình kinh tế, chính trị của thế giới, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình ông Bùi Đức Lý (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế theo mô hình VAC, đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá trên địa bàn.
Gia đình ông Bùi Đức Lý (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế theo mô hình VAC, đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá trên địa bàn.

Công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% với tổng số 2.393.332 hộ. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ước giảm khoảng 1,2% so với đầu kỳ (cuối năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4% đến 5%. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm...

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương bố trí ngân sách thực hiện các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo cho người dân. Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc giảm nghèo bền vững, khi phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; nhất là việc người lao động thiếu kỹ năng nghề nghiệp, khó tiếp cận việc làm. Đồng thời, công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm. Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững…

Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản... Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lắp.

Bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của người nghèo...

Theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan, dự kiến ngân sách trung ương bố trí thực hiện năm 2023 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 11.402,066 tỷ đồng, chưa bao gồm 1.700 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo.