Giúp người dân giảm nghèo bền vững

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới thuộc loại khó khăn nhất cả nước. Trong những năm qua, tỉnh đã phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước kết hợp với các chương trình của địa phương nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình cải tạo vườn tạp giúp người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ thoát nghèo.
Chương trình cải tạo vườn tạp giúp người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ thoát nghèo.

Trước đây, vườn đồi rộng vài nghìn mét vuông của gia đình ông Hoàng Thế Diễn, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc chỉ trồng một ít rau, đậu phục vụ sinh hoạt. Năm 2021, ông Diễn đăng ký tham gia chương trình cải tạo vườn tạp do tỉnh triển khai, nhất là được cán bộ xã giúp quy hoạch lại vườn, cơ cấu cây trồng và được vay 30 triệu đồng, gia đình ông đã cải tạo vườn hơn 2.000m2 vườn trồng bắp cải, mướp, bí xanh, rau, đậu...

Ông cho biết: Vườn rau không chỉ cung cấp thực phẩm cho gia đình mà còn cung ứng cho bếp ăn bán trú các trường học trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, gia đình ông có nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng; cuối năm 2022, đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Từ khi tỉnh Hà Giang triển khai chương trình “Cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025”, câu chuyện về những hộ nghèo vươn lên từ chính mảnh vườn của gia đình như hộ ông Diễn khá phổ biến. Tham gia chương trình, người dân được vay 30 triệu đồng (hỗ trợ 100% lãi suất) trong vòng 30 tháng; chính quyền địa phương hỗ trợ quy hoạch vườn đồi, tập huấn sản xuất, phân công cán bộ đỡ đầu.

Sau hai năm triển khai, tỉnh đã có 2.325 hộ cải tạo vườn tạp với diện tích đất vườn đồi cải tạo để trồng các loại cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi trên tổng diện tích 241ha. Số kinh phí giải ngân cho các hộ vay vốn hơn 68 tỷ đồng. Chương trình góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất vườn hộ, từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa, giải quyết nguồn thực phẩm xanh, nhiều hộ đã có sản phẩm bán ra thị trường, có nguồn thu nhập ổn định.

Thời gian qua, Hà Giang đã triển khai hiệu quả các chính sách, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các dự án này được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội nên đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ; nhận thức, năng lực, trách nhiệm về giảm nghèo của người dân được nâng cao.

Điểm nổi bật là chính sách tín dụng cho hộ nghèo được thực hiện rất hiệu quả. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt hơn 4.300 tỷ đồng, hơn 91 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến tất cả các địa phương, trong đó tập trung chính vào các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, giúp các hộ có thêm nguồn lực để làm ăn, tăng thu nhập.

Tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Bình quân mỗi năm Hà Giang đào tạo nghề cho 11 nghìn lao động; số lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh mỗi năm khoảng 70 nghìn người.

Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều chương trình, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chính những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, mở hướng mới cho người dân thoát nghèo. Hiện nay, tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động người dân tộc thiểu số với thu nhập ổn định.

Từ việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương và giải pháp giảm nghèo của địa phương, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm Hà Giang giảm từ 4 đến 5% số hộ nghèo. Mặc dù vậy, tỉnh vẫn còn hơn 79 nghìn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, Phạm Ngọc Dũng cho biết: Hiện nay, tỉnh đang triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia trên quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và tập trung chính vào địa bàn khó khăn, đối tượng nghèo. Đây là cơ hội để người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, xã hội để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.