Tín dụng chính sách:

Động lực để Phú Yên thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia

NDO - Nằm bên sườn đông dãy Trường Sơn, Phú Yên đang từng ngày khởi sắc từ việc phát huy lợi thế kinh tế biển với bờ biển dài gần 200km. Trong dòng chảy phát triển kinh tế, người nghèo và các đối tượng chính sách khác không bị bỏ lại phía sau khi có sự trợ giúp hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Người nghèo và các đối tượng chính sách ở Phú Yên làm thủ tục, nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã.
Người nghèo và các đối tượng chính sách ở Phú Yên làm thủ tục, nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã.

Cộng hưởng từ nguồn vốn ủy thác của địa phương, tổng nguồn vốn đến hết tháng 3/2023 tại Phú Yên đạt 3.977 tỷ đồng, tăng hơn 35 lần so thời điểm thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (năm 2002), tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Đây cũng là nền tảng từ khi thành lập cho đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã bao phủ 100% thôn (buôn, khu phố) của 110 xã (phường, thị trấn), trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn ở mức cao, với hơn 620 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tổng doanh số cho vay đạt 12.459 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách xã hội đã bao phủ 100% thôn (buôn, khu phố) của 110 xã (phường, thị trấn), trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn ở mức cao, với hơn 620 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tổng doanh số cho vay đạt 12.459 tỷ đồng.

Điểm tựa xây dựng nông thôn mới

Tây Hòa-huyện phía tây của tỉnh Phú Yên đạt tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2018. Đến nay, toàn huyện đã có tới 8 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Nhưng ít ai biết rằng, 18 năm trước, khi chia tách huyện Tuy Hòa thành 2 huyện Đông Hòa và Tây Hòa, điều kiện phát triển kinh tế của huyện vô cùng khó khăn.

Khi đó, huyện Tây Hòa có 10 xã và 1 thị trấn, trong đó có 4 xã miền núi; kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì, xuất phát điểm kinh tế thấp, mặt bằng dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 18,78% tổng số hộ...

Do vậy, cùng với công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo là một mục tiêu trọng yếu của huyện lúc bấy giờ. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Hòa khi đó dù mới tách ra, nhưng với nền tảng tín dụng chính sách sẵn có đã bắt nhịp ngay vào việc hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, gắn tín dụng với các định hướng phát triển kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp, giúp các hộ dân vay vốn tạo dựng sinh kế hiệu quả, bền vững.

Đặc biệt, sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW cùng với việc hỗ trợ đắc lực Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương dần tăng lên hằng năm là điểm tựa để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đa dạng, đáp ứng yêu cầu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tính đến ngày 22/4, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Hòa đạt 457 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đạt 27,2 tỷ đồng, chiếm 5,95% tổng nguồn vốn.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Hòa đang đáp ứng vốn cho 10.291 hộ nghèo và đối tượng chính sách (chiếm 29,46% tổng số hộ toàn huyện) với tổng dư nợ đạt 455 tỷ đồng, tiếp tục hỗ trợ huyện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao và hướng tới trở thành miền quê đáng sống.

Theo đó, tính đến cuối năm 2022, tỉnh Phú Yên có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện: Thành phố Tuy Hòa, huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa đạt 100% xã nông thôn mới.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cùng với việc đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội năm sau cao hơn năm trước; tăng cường nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện để chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Thống kê sơ bộ cho thấy, đến hết tháng 3/2023, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay là 272,3 tỷ đồng, tăng 2.574 tỷ đồng (gấp 18,3 lần) so thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, chiếm 6,3% tổng nguồn vốn của chi nhánh. Trong đó, ngân sách tỉnh là 168,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 103,7 tỷ đồng.

Động lực để Phú Yên thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia ảnh 1
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng (ngồi giữa) lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hộ vay tại Điểm giao dịch xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa.

Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp cho hơn 84 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 74 nghìn lao động, giúp hơn 54 nghìn lượt hộ vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, hơn 65 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 240 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 3.443 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, 392 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền trung và 538 căn nhà ở xã hội cho khách hàng có thu nhập thấp...

Tín dụng chính sách cũng đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2001-2005 từ 15,32% xuống 5,12%. Giai đoạn 2005-2010 từ 19,31% xuống 9,05%. Giai đoạn 2011-2015 từ 19,46% xuống 9,73%. Giai đoạn 2016-2021 từ 12,62% xuống 2,17%, và giảm 0,87% trong năm 2022.

Tín dụng chính sách cũng đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2001-2005 từ 15,32% xuống 5,12%. Giai đoạn 2005-2010 từ 19,31% xuống 9,05%. Giai đoạn 2011-2015 từ 19,46% xuống 9,73%. Giai đoạn 2016-2021 từ 12,62% xuống 2,17%, và giảm 0,87% trong năm 2022.

Đến hết tháng 3/2023, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên đang cho hơn 89 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng dư nợ đạt 3.968 tỷ đồng, tăng gấp hơn 35 lần so 20 năm trước (năm 2002), chiếm hơn 34% tổng số hộ toàn tỉnh, góp phần hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022-2025); phấn đấu 50% hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, con số 34% số hộ dân của tỉnh là khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội và tỷ lệ nghèo đa chiều qua rà soát năm 2022 (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) là 12,12%, cho thấy, công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững của Phú Yên vẫn còn là một thách thức.

Bên cạnh đó, hằng năm, tỉnh Phú Yên còn chịu tác động của biến đổi khí hậu, bão lũ bất thường, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tiềm ẩn rủi ro. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn. Lượng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh rất ít so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Trước thực trạng này, tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, trong đó ưu tiên cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương đến năm 2030 chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn, góp phần thực hiện thành công chung Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện khuyến khích người lao động trên địa bàn tỉnh đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sớm tham mưu xây dựng Đề án mở rộng đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn bằng nguồn vốn địa phương, mỗi năm dành 50 tỷ đồng để cho vay, giải quyết ít nhất 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kế hoạch hằng năm của tỉnh.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần bố trí phân bổ thêm nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng, nhất là giải quyết việc làm; đề xuất nâng mức vay một số chương trình phù hợp thực tiễn.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương

“Nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vẫn cần bố trí phân bổ thêm nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng, nhất là giải quyết việc làm; đề xuất nâng mức vay một số chương trình phù hợp thực tiễn”, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương nêu đề nghị.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cam kết, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ bảo đảm đáp ứng 100% nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo các chương trình của Chính phủ.

“Song do nguồn lực ngân sách Trung ương có hạn và dành cho các chương trình tín dụng ưu tiên nên đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, tinh thần là Trung ương và địa phương cùng làm theo phương thức đối ứng”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết thêm.

Vì vậy, để mở rộng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng đề nghị tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trong đó, chính quyền các cấp ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành sớm xây dựng, triển khai Đề án mở rộng đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn bằng nguồn vốn địa phương giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.