Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi ở Đắk Nông

Thời gian qua, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của tỉnh, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo ở tỉnh Ðắk Nông phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo ở tỉnh Ðắk Nông phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

"Đòn bẩy" thoát NGhèo

Gia đình ông K’Thét ở xã Ðắk Som (huyện Ðắk Glong) có khoảng 2,5ha cà-phê. Do thiếu vốn đầu tư nên năng suất hằng năm còn thấp, vườn cây ngày càng già cỗi theo thời gian, thu nhập không cao nên cuộc sống gia đình luôn bấp bênh. Năm 2019, ông K’Thét được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Từ nguồn vốn vay, gia đình ông đầu tư mua vật tư phân bón, tập trung chăm sóc vườn cây, nhờ đó năng suất cà-phê từng bước cải thiện. Hiện nay vườn cà-phê của ông đạt năng suất hơn 6 tấn nhân/vụ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. "Nguồn vốn vay ưu đãi đã kịp thời tiếp sức cho gia đình tôi phục hồi vườn cà-phê, nhờ vậy năng suất, sản lượng được cải thiện, giúp gia đình từng bước vượt qua khó khăn. Hiện gia đình đã thanh khoản các khoản vay ngân hàng, thoát cảnh khó khăn". Ông K’Thét phấn khởi cho biết.

Do sinh nhiều con nên gia đình ông Lương Ðình Tiến ở thôn 5, xã Thuận Hạnh (huyện Ðắk Song) luôn đối diện với khó khăn, cuộc sống chỉ phụ thuộc vào 2ha chuyên canh cây hồ tiêu. Tuy nhiên, đến năm 2018, hơn một nửa diện tích hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, khiến kinh tế gia đình vốn khó khăn lại rơi vào cảnh éo le hơn. Trước hoàn cảnh của ông, địa phương đã bình xét cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo. Sau khi được vay vốn, ông Tiến đầu tư mua 5 con bò giống về nuôi. Quá trình chăn nuôi thuận lợi nên đàn bò sinh trưởng và tăng nhanh về số lượng. Mỗi năm ông Tiến xuất bán 2 lứa cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Hiện nay, ngoài chăn nuôi bò, ông đầu tư canh tác thêm nhiều loại rau xanh để tăng thêm thu nhập, năm 2021 gia đình ông thoát nghèo. Ông Tiến chia sẻ: "Gia đình tôi rất vui mừng khi thoát cảnh đói nghèo, thu nhập, cuộc sống ổn định hơn, các con được học hành đến nơi đến chốn".

Năm 2019, diện tích cây hồ tiêu, cà-phê của gia đình bà Nguyễn Thị Mận ở thôn 2 (xã Ðắk R’tíh, huyện Tuy Ðức) mới bước vào vụ thu hoạch chính. Cùng thời điểm, giá các mặt hàng nông sản xuống thấp, thêm vào đó nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh chết nhanh khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Trong lúc rơi vào bế tắc, gia đình bà Mận được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có nguồn vốn, bà Mận đầu tư vào trồng thêm rau xanh, cà chua trên diện tích đất trước đây đã trồng tiêu. Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, quá trình chăm sóc đúng cách, cộng với đầu ra và giá cả các loại rau ổn định nên thu nhập cải thiện. Với diện tích khoảng 4.000m2 đất trồng rau màu các loại luân phiên, cho thu hoạch 3 đến 4 vụ/năm, bà Mận thu về mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. "Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội như là "đòn bẩy" không chỉ giúp gia đình tôi có cơ hội thoát nghèo, mà tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống" bà Mận cho biết…

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn

Huyện 30a Ðắk Glong là địa phương có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi cao nhất tỉnh Ðắk Nông. Ðến hết tháng 2 năm nay, toàn huyện có gần 5.000 hộ vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ hơn 270 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðắk Glong Trần Nam Thuần cho biết, công tác giảm nghèo luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, thời gian qua, địa phương luôn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hộ nghèo được vay vốn. Sau khi được vay vốn, huyện chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho các hộ thực hiện đúng phương án sử dụng vốn vay được phê duyệt, nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay. Ðến nay, hầu hết hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích; hiệu quả các mô hình sản xuất ngày càng được nâng cao, đời sống của bà con từng bước ổn định.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Ðức Phạm Thị Phương cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả rất tốt tại địa phương, giúp cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ổn định sản xuất. Hàng trăm hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới đã vươn lên thoát nghèo.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ðắk Nông, tính đến cuối tháng 2 năm nay, tổng nguồn vốn được giao đạt 3.748.978 triệu đồng, tăng 2,72% so với năm 2022. Nguồn vốn Trung ương giao đạt 3.449.853 triệu đồng, tăng 46.715 triệu đồng, tỷ lệ tăng 1,37% so với năm 2022. Nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương (tỉnh và huyện) đạt 299.124 triệu đồng, tăng 52.604 triệu đồng, tỷ lệ tăng 21,35% so với năm 2022. Tổng dư nợ đạt 3.721.331 triệu đồng với 69.337 hộ còn dư nợ; chiếm 41,5 số hộ toàn tỉnh; tăng 71.698 triệu đồng, tỷ lệ tăng 1,96% so với dư nợ năm 2022; hoàn thành 99,26% kế hoạch giao.

"Thời gian tới, để đạt được song song hai mục tiêu là tăng trưởng dư nợ và nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ðắk Nông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể các cấp trong toàn tỉnh, nhất là cấp xã và ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn trong việc bình xét cho vay, với phương châm bảo đảm đúng quy trình thủ tục nhưng cũng được giải ngân nhanh nhất để đáp ứng kịp thời cho người dân có nguồn vốn phục vụ sản xuất, hướng dẫn cho người dân sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao hơn góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương". Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ðắk Nông Nguyễn Minh Hướng cho biết.