Đổi mới sản phẩm du lịch để tăng sức hút

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, để quá trình hồi phục bền vững, nhanh chóng đạt và vượt những chỉ số về doanh thu, số lượng khách... như giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19, thì vẫn còn nhiều thách thức. Theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần tiếp tục đổi mới các sản phẩm du lịch một cách có chiều sâu; đẩy mạnh phát triển du lịch đêm... để tăng sức hút với khách trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội cần có biện pháp khai thác các giá trị văn hóa di sản một cách có chiều sâu để phát triển du lịch. Trong ảnh: Đoàn rước trong Lễ hội kỷ niệm 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang.
Hà Nội cần có biện pháp khai thác các giá trị văn hóa di sản một cách có chiều sâu để phát triển du lịch. Trong ảnh: Đoàn rước trong Lễ hội kỷ niệm 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Đặng Hương Giang cho biết, kể từ ngày 15/3/2022, Hà Nội đã mở cửa đón khách du lịch sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Thành phố đã tổ chức 172 chuỗi hoạt động trên địa bàn, trong đó, nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đã gây được chú ý lớn, tạo đà kích cầu thị trường du lịch. Một số doanh nghiệp ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, được đông đảo du khách đón nhận như tour: Du lịch "Đêm thiêng liêng" của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuỗi sản phẩm "Khám phá Đông Nam Á" của Bảo tàng Dân tộc học; Khai thác trở lại tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long"; tour "Dấu chân làng cổ Bát Tràng"...

Trong năm 2023, mục tiêu đón 22 triệu khách du lịch, trong đó có 3 triệu khách quốc tế của Hà Nội được cho là "nằm trong tầm tay". Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng bắt kịp chỉ tiêu về du lịch trước giai đoạn dịch Covid-19 (năm 2019, Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tại tọa đàm "Giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững" do Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức, các chuyên gia, đại diện các hãng lữ hành đã "hiến kế" nhiều giải pháp thiết thực để ngành du lịch tăng tốc. Nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm du lịch cần có chiều sâu, sát với nhu cầu của khách hơn.

Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Kim Liên, Ngô Thị Lan Phương cho biết: "Khi xây dựng sản phẩm du lịch, các đơn vị cần có mục tiêu phục vụ thị trường khách nào. Ngay cả sản phẩm du lịch văn hóa là thế mạnh của Hà Nội thì cũng cần xây dựng một cách cụ thể, đi vào đúng thị hiếu của khách. Hà Nội nên đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch mùa thu, phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo".

Để tận dụng lợi thế về khí hậu của Hà Nội, một số đại biểu khác cũng đề xuất phát triển sản phẩm du lịch gắn với mùa thu. Hiện nay một số đơn vị tổ chức Fototour mùa thu (Tour nhiếp ảnh mùa thu) khá hút khách.

Công ty cổ phần Flamingo Redtours là đơn vị tích cực tổ chức tour mùa thu nhất, với bốn sản phẩm thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kiến trúc, gồm: Tour Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh, Một thoáng châu Âu trong lòng Hà Nội, Hà Nội - 36 phố phường, Một ngày khám phá hồ Tây. Song nhìn chung quy mô tổ chức vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu những sản phẩm thật sự tạo nên thương hiệu.

Để khai thác những địa điểm ngắm thu Hà Nội đẹp như tuyến đường Phan Đình Phùng, cầu Long Biên, các làng hoa ở quận Tây Hồ, hay một số địa chỉ du lịch ngoại thành, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý du lịch, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.

Hiện nay, du lịch đêm đang là vấn đề "nóng" khi Hà Nội có nhiều sản phẩm nhưng vẫn còn manh mún, trong khi đây là hoạt động phù hợp với nhiều nhóm khách du lịch, nhất là đối với khách nước ngoài.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Hà Nội mới có du lịch "buổi tối" chứ chưa có du lịch đêm. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội-Hanoi Tourism, Nhữ Thị Ngần cho rằng, đa phần hoạt động du lịch đêm tại Hà Nội chỉ đến 24 giờ, dịp cuối tuần các quán bar, nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm mới được mở cửa đến hai giờ sáng. Vì vậy, bà Nhữ Thị Ngần kiến nghị, thành phố cần có cách tiếp cận "cởi mở" hơn, cần có chính sách riêng về vấn đề này.

Đối với thị trường du lịch, hiện nay, thị trường Ấn Độ và các nước Trung Đông rất giàu tiềm năng. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này có sự khác biệt lớn về phong tục, tập quán. Do đó, các chuyên gia đề xuất, các doanh nghiệp cần có biện pháp thích hợp để đáp ứng nhu cầu, nhất là các nhà hàng ăn uống, nhân lực phục vụ khách.

Ngoài ra, thành phố cần quan tâm hơn đối với nguồn khách tại khu vực như khách từ các nước: Indonesia, Philippines, bởi việc đi lại giữa các quốc gia này đến nước ta khá thuận lợi khi đã có đường bay thẳng và chính sách miễn visa giữa các quốc gia trong khu vực.

Riêng đối với thị trường khách Hàn Quốc, trước kia luôn đứng ở vị trí cao trong các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội nhưng hiện nay với đường bay thẳng từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng, Nha Trang, thị trường khách này đang dịch chuyển về hai địa phương trên. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng thành phố cần quan tâm hơn vấn đề xúc tiến du lịch thị trường này.