Để lễ hội thích ứng với đời sống đương đại

Mỗi năm, tại Hà Nội diễn ra khoảng 1.200 lễ hội, chủ yếu là lễ hội liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Trước những thay đổi của xã hội, việc lễ hội có những biến đổi về không gian, thời gian, mục đích, cách thức tổ chức… là một tất yếu. Tuy nhiên, để hạn chế những tiêu cực, cần có giải pháp để lễ hội có thể phát huy giá trị mà vẫn thích ứng với đời sống đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân “bát xã Loa thành” dâng lễ vật lên An Dương Vương trong lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh).
Người dân “bát xã Loa thành” dâng lễ vật lên An Dương Vương trong lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Những ngày này, Ban tổ chức lễ hội chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đang tất bật công tác chuẩn bị cho lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch. Lễ hội chùa Láng để tưởng nhớ công ơn Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị Quốc sư thời Lý. Năm nay, công việc chuẩn bị vất vả hơn bởi các nghi thức cổ xưa, từng làm nên nét đặc sắc riêng có của lễ hội, sẽ được phục dựng.

Theo người dân nơi đây, lễ hội đầy đủ nghi thức được tổ chức lần cuối cùng vào năm 1951. Sau này, dù được khôi phục, nhưng do điều kiện, bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, cho nên nhiều nghi thức tạm thời được lược bỏ. Năm nay, sẽ có nghi thức rước kiệu thánh qua sông Tô Lịch (còn gọi là “độ hà”) để “thăm mẹ”, “thăm cha” và trình diễn “đấu thần” - nghi thức diễn tả lại cuộc đấu giữa Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên...

Mặc dù nỗ lực phục dựng, nhưng một số hoạt động lễ hội cũng phải thay đổi cho phù hợp với bối cảnh. Không gian chín làng cổ tham gia tổ chức lễ hội đã trở thành phố thị và bị chia cắt bởi nhiều tuyến giao thông. Do đó, việc tái hiện cũng phải thay đổi. Trong đó, nghi thức rước kiệu thánh qua sông sẽ tổ chức từ sớm để không ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực.

Hiện thành phố có khoảng 1.200 lễ hội. Lễ hội chùa Láng chính là một điển hình lễ hội của Hà Nội những năm qua. Đó là do ảnh hưởng của chiến tranh, bối cảnh xã hội, nhiều lễ hội phải dừng tổ chức. Sau đó là việc từng bước phục dựng những nét đẹp xưa. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, quá trình khôi phục, phục dựng cũng khiến lễ hội có không ít biến đổi. Có những lễ hội được rút gọn thời gian, không gian tổ chức.

Điển hình như những lễ hội tại quận Hoàn Kiếm được gói gọn trong một ngày, thay vì hai, ba ngày hoặc dài hơn như trước đây. Các đoàn rước thường tổ chức từ sáng sớm để không ảnh hưởng tới giao thông; được rút gọn, nhất là tại địa bàn một số quận như: Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa... Nếu giữ nguyên đoàn rước như xưa, Ban tổ chức thường phải bố trí lực lượng giải quyết những chướng ngại trên đường rước. Những cách làm này được xem là phù hợp trong bối cảnh “đất chật, người đông”.

Song song với xu hướng này, theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, còn một xu hướng khác là lễ hội được mở rộng về không gian và thời gian. Có những lễ hội không còn là hội làng mà mở rộng thành lễ hội vùng, liên vùng. Về mặt thời gian, có lễ hội kéo dài đến cả tháng. Điển hình như lễ hội chùa Thầy ở huyện Quốc Oai. Hiện lễ hội này được tổ chức trong suốt tháng 3 âm lịch. Xưa kia, mục đích của người dân đến dự các lễ hội truyền thống là nhằm cầu mong “người yên vật thịnh” với niềm tin về “cái thiêng”.

Nhưng nay mục đích của lễ hội cũng thay đổi. Trong đó, lễ hội được xem là một nguồn tài nguyên để phát triển công nghiệp văn hóa. Giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: “Đang có một cuộc phục hưng lễ hội, nhất là trong năm 2023. Một mặt, sau ba năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có các hoạt động lễ hội nói riêng, văn hóa nói chung, cho nên năm nay lễ hội truyền thống nở rộ. Mặt khác, nhu cầu tâm linh là một đòi hỏi luôn thường trực trong tâm thức mỗi người cần được giải tỏa. Hơn nữa, càng phát triển kinh tế thì nhu cầu văn hóa càng được đòi hỏi nhiều hơn”.

Việc lễ hội có những thay đổi là không tránh khỏi. Bên cạnh những yếu tố được cộng đồng chấp nhận thì cũng không ít lễ hội bị biến đổi với những yếu tố thiếu tích cực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều kiện tiên quyết cho phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội là cần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, tính hấp dẫn, riêng có của lễ hội.

Cùng với đó là cách thức tổ chức, quản lý lễ hội bảo đảm văn minh, tăng niềm tin, thiện cảm với du khách; khai thác các hoạt động văn hóa sáng tạo trên các lĩnh vực liên quan tới lễ hội, từ đó tăng sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, sự biến đổi của lễ hội là tất yếu khách quan trong đời sống văn hóa. Do đó, cần có giải pháp để quản lý hiệu quả.

Bên cạnh công tác tổ chức phải đề cao yếu tố cộng đồng thì cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa ở các lễ hội theo một số nguyên tắc cơ bản như: Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lễ hội theo hướng phát triển bền vững; bảo vệ tính đặc sắc, đa dạng của các thành tố văn hóa của lễ hội, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ẩm thực, các trò chơi... Bộ quy tắc này cũng bao gồm ứng xử của cơ quan nhà nước, của cộng đồng, của khách thập phương khi đến lễ hội...