Hơn 30 năm qua, sống chung thành phố, tôi được chứng kiến hầu hết những vui buồn, thay đổi của làng hoa. Tôi đã thấy cư dân làng hoa Hà Đông vẫn giữ được phần nào lề xưa, nếp cũ nơi quê hương mới. Tôi đã thấy những người dân làng hoa Hà Đông vật vã trở mình cùng hoa, cùng đất qua nhiều chặng thời gian để giờ đây làng trở thành một điểm đến thú vị. Bên cạnh là vùng chuyên canh hoa thương phẩm còn là một điểm du lịch canh nông, với 230/450 hộ trồng hoa và diện tích canh tác hơn 30 héc-ta…
Đầu thế kỷ 20, Đà Lạt đã bắt đầu phát triển theo hướng một đô thị nghỉ dưỡng hiện đại. Năm 1936, triều đình Huế lập tại đây một cơ quan hành chính đại diện cho người Việt cùng tồn tại bên cạnh Tòa Đốc lý của thực dân Pháp. Vị Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt là quan tứ phẩm Trần Văn Lý. Ngay từ ngày nhậm chức, ông Lý đã nhận thấy vùng đất màu mỡ này có khí hậu mát mẻ rất thích hợp sản xuất các loại rau, hoa và cây ăn quả. Quan Quản đạo đã đưa ra sáng kiến về việc lập ấp trồng rau và hoa cung cấp cho nhu cầu của người Pháp, quan lại Nam Triều và người dân địa phương. Ông Trần Văn Lý đề nghị ông Hoàng Trọng Phu lúc đó là Tổng đốc Hà Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ về việc di dân ngoài đó vào lập ấp tại Đà Lạt.
Nhận lời đề nghị, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu lệnh cho ông Lê Văn Định, Thương tá canh nông tỉnh Hà Đông, xây dựng kế hoạch di dời một bộ phận dân cư Hà Đông vào khai hoang lập ấp tại Đà Lạt. Ngày 31/5/1938, nhóm đầu tiên gồm 35 người là những cư dân vùng ven Hồ Tây thuộc Hà Đông (cũ) đã đặt chân lên đất Đà Lạt. Đầu năm 1939 có thêm 19 người nữa vào và từ năm 1940 đến 1942 lại có thêm 47 người. Sự có mặt của họ đã đánh dấu cho cái mốc đầu tiên dẫn đến sự hình thành một vùng cư dân mới của thành phố cao nguyên, là một minh chứng sinh động về ý chí của người Hà Nội xưa đi dựng xây quê hương mới, mở mang bờ cõi. Họ vượt qua tất cả mọi gian lao bằng nghị lực và ý chí lập nghiệp của người Hà thành. Suốt bao tháng năm qua, những nông dân của ấp Hà Đông đã góp công lớn trong việc khởi nghiệp trồng hoa trên cao nguyên Lâm Viên, để hôm nay Đà Lạt trở thành một vùng hoa chuyên canh nổi tiếng trong và ngoài nước…
Năm 2017, Thành ủy Đà Lạt ban hành nghị quyết chuyên đề về “Phát triển các làng hoa trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt cũng ban hành Quyết định “Phê duyệt Đề án phát triển Làng hoa Hà Đông, Phường 8, thành phố Đà Lạt”. Vận hội mới của làng hoa Hà Đông được đề cập trong mục tiêu chung của đề án quan trọng này: “Áp dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại làng hoa Hà Đông. Phấn đấu xây dựng làng hoa Hà Đông trở thành điểm tham quan du lịch có chất lượng đặc thù phục vụ khách, thông qua xây dựng các tuyến, tour du lịch đến các khu trồng trọt, các điểm, các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn…”.
Đến thăm làng hoa Hà Đông mùa thu này, tôi gặp nông dân Tạ Minh Quân, là người trồng hoa thế hệ thứ ba ở làng. Với 4.000 m2 đất, vợ chồng anh đã có hơn 20 năm theo đuổi với nghề. Từ năm 2006 đến nay, nhà vườn Tạ Minh Quân liên tục gặt hái thành công. Hoa cúc của anh tiêu thụ nhiều ở thị trường trong nước và bảo đảm tiêu chuẩn cung cấp cho Công ty Rừng hoa Đà Lạt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Cũng ở làng Hà Đông, tôi đến thăm trang trại hoa hồng môn của nghệ nhân Vũ Nhuần. Gia đình ông vừa sản xuất, cung ứng hoa thương phẩm ra nhiều thị trường, vừa khai thác du lịch trải nghiệm tại vườn. Tự hào với lịch sử nghề hoa của làng và sự nghiệp làm giàu trên mảnh đất ông cha khai phá từ hơn 86 năm trước, Vũ Nhuần nói: “Chúng tôi đang tập trung đầu tư ứng dụng các khoa học-kỹ thuật mới, chọn giống mới để sản xuất nhằm đem lại sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao”.
Thành phố Đà Lạt đang ở tuổi 130, theo hành trình phát triển, ấp Hà Đông cũng đã có lịch sử 86 năm. Qua bao thăng trầm, người Hồ Tây đi lập nghiệp trên vùng đất cao nguyên vẫn giữ nguyên cốt cách hào hoa, thanh lịch và bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó. Họ mang theo giọng nói gốc của người Hà Nội xưa và “gánh” vào Tây Nguyên hoang dã thuở nào những nét văn hóa ngàn năm sông Hồng. Họ góp sức, góp công, góp máu xương để bảo vệ và kiến thiết cho thành phố cao nguyên ngày một đi lên.
Nhưng người dân Hồ Tây đi xa lập nghiệp, dù đã qua nhiều thế hệ, vẫn bồi hồi xao xuyến mỗi khi thầm nhắc về một vùng quê cũ. “Người làng hoa Hà Đông vẫn giữ được những nét văn hóa của quê cũ. Những buổi tế đình, cúng họ, những phong tục, tập quán từng có thời xưa nơi bản quán vẫn được giữ gìn ở nơi quê mới này. Người làng hoa coi đó là điều cần trân quý, gìn giữ cho con cháu mai sau”. Đó là lời tâm sự của ông Phan Hữu Giản, một người có quê gốc ở làng Tứ Liên, giờ thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội)…