Đưa di sản thành nguồn lực phát triển

Chỉ ít ngày trước khi quân ta giải phóng Thủ đô, chùa Một Cột đã bị lính Pháp phá hoại bằng một vụ nổ. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, giữa bộn bề khó khăn, thành phố đã khẩn trương tiến hành phục dựng, để đến hôm nay, chùa Một Cột trở thành biểu tượng của Thủ đô, là điểm du lịch hấp dẫn. Câu chuyện chùa Một Cột là hình ảnh biểu trưng cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô những năm qua.
Khách du lịch đến với làng tăm hương Quảng Phú Cầu.
Khách du lịch đến với làng tăm hương Quảng Phú Cầu.

Gần 70 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành vừa có tuyến khảo sát các điểm: Làng tăm hương Quảng Phú Cầu, đền thờ Đức Thánh Cả và một số địa điểm khác trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhằm tìm kiếm cơ hội khai thác các giá trị di sản để phát triển du lịch. Đại diện nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, Ứng Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, việc kết nối với các di sản khác trong khu vực sẽ giúp Hà Nội có thêm những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Bà Lê Thị Tuyến, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa cho biết, huyện có 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 105 di tích được xếp hạng cấp thành phố, cùng nhiều làng nghề đặc sắc. Trong đó, Ứng Hòa tập trung phát triển tuyến du lịch với trung tâm là làng tăm hương Quảng Phú Cầu, nơi có nghề làm hương truyền thống với những cảnh quan đẹp.

Với hệ thống 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có lợi thế lớn để phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước. Thành phố tập trung khai thác nguồn tài nguyên này trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bởi nếu chỉ khai thác, coi nhẹ việc bảo tồn thì việc xuống cấp, mai một di sản sẽ diễn ra nhanh chóng, dẫn đến di sản không đủ sức hấp dẫn du khách. Hài hòa hai yếu tố này sẽ tạo sự phát triển một cách bền vững cho du lịch và cho cả công tác bảo tồn di sản. Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, chùa Trấn Quốc… được xem là những di sản nổi bật của Hà Nội. Với kiến trúc độc đáo, bề dày lịch sử hàng trăm năm thậm chí cả nghìn năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long, các di sản này là điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi tham quan Thủ đô.

Để khai thác, phát huy giá trị những di sản này, các đơn vị quản lý di sản của Hà Nội đều có nhiều đổi mới. Điển hình như tour trải nghiệm đêm tại các di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò… Các di sản vùng ngoại thành như: Thành cổ Cổ Loa (huyện Đông Anh), chùa Thầy (huyện Quốc Oai), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)… đều trở thành những điểm đến thu hút du khách.

Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể cũng đang trở thành điểm nhấn cho du lịch văn hóa. Điển hình như các lễ hội: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), chùa Thầy (huyện Quốc Oai)… hay các loại hình nghệ thuật trình diễn như: Chiêng Mường (các huyện Ba Vì, Thạch Thất), ca trù, hát xẩm…

Năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến, đưa những giá trị đó thành nguồn lực phát triển. Trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, thành phố tập trung vào các lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực... Nghị quyết tạo động lực khai thác giá trị di sản văn hóa.

Không chỉ dừng lại ở những di tích lớn, nổi tiếng ở khu vực trung tâm, việc khai thác giá trị di sản lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều địa bàn, kể cả tại các huyện xa như Ứng Hòa. Trước đây, việc khai thác du lịch từ giá trị di sản là điều ít ai nghĩ đến. Nhưng bây giờ, những đoàn khách du lịch đến khám phá làng tăm hương Quảng Phú Cầu và các di tích khác trên địa bàn đang tạo động lực mạnh mẽ để Ứng Hòa phát triển du lịch cộng đồng.

Hà Nội đang trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Những người yêu di sản Thăng Long-Hà Nội đều ghi nhớ sự kiện quan trọng. Đó là ít ngày trước khi quân ta Giải phóng Thủ đô, chùa Một Cột bị giặc Pháp phá hoại. Ngôi chùa bị sập đổ gần như hoàn toàn. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, giữa bộn bề khó khăn, ngôi chùa đã được thành phố khẩn trương phục dựng, để hôm nay, chùa Một Cột trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của công tác bảo tồn di sản trên địa bàn thành phố. Ngày trở về giải phóng, rồi kháng chiến chống Mỹ nổ ra, biết bao di tích hoang tàn, biết bao di sản văn hóa phi vật thể chìm vào lãng quên. Nhưng thành phố nỗ lực để hồi sinh và khai thác giá trị. Để đưa di sản thành nguồn lực phát triển, cần có những cố gắng hơn nữa, mà một trong số đó là đột phá về phương pháp và tư duy.

Phó Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, song song với đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, thành phố cần nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công-tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, ưu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng.