Có thể thấy rõ nhất là quá trình đô thị hóa của Hà Nội. Sự ra đời của các khu đô thị mới, hiện đại, văn minh, thân thiện; hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, nhiều tuyến đường mới, cầu mới được xây dựng, đường sắt đô thị đi vào hoạt động; các trung tâm thương mại, các tòa nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều… Những điều này góp phần làm cho Hà Nội trở nên trẻ trung, năng động, hiện đại hơn. Sự phát triển về kết cấu hạ tầng có xu hướng mở rộng ra ngoại ô, giúp cho nội đô và ngoại thành có sự cân bằng hài hòa hơn, giảm tải áp lực về nhà ở, việc làm, sinh hoạt, môi trường cho khu vực trung tâm. Đây là sự thay đổi cần thiết, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Việc thu hút đầu tư tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống người dân được nâng cao; yếu tố môi trường được quan tâm và cải thiện.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, Hà Nội chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Là đất kinh đô nghìn năm, Hà Nội cất giữ trong lòng nhiều di sản vật thể vô cùng quý giá vừa mang giá trị lịch sử, tinh thần, vừa mang vẻ đẹp, giá trị kiến trúc như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Một Cột… Đó là các di sản lớn không chỉ của riêng Hà Nội mà đã trở thành di sản của quốc gia, có di sản được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sự hiện hữu của những di sản vật thể ấy khẳng định bề dày và chiều sâu của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Bên cạnh đó là các di sản văn hóa phi vật thể như: Các lễ hội truyền thống, các nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn,... được thành phố nỗ lực giữ gìn và phát triển. Sự sống dậy mạnh mẽ của một số lễ hội, loại hình nghệ thuật là sự khẳng định sức sống mãnh liệt, tiềm tàng và trường tồn của vẻ đẹp tinh thần người Hà Nội nói riêng và vẻ đẹp tinh thần Việt Nam nói chung.
Trong những năm qua, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của nhiều du khách. Các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, phố cổ Hà Nội, danh lam thắng cảnh, ẩm thực, làng nghề truyền thống… là những yếu tố chính thúc đẩy ngành du lịch của thành phố phát triển, đồng thời lan tỏa vẻ đẹp của đất và người xứ văn hiến nghìn năm.
Trong quá trình phát triển, Hà Nội phải đối mặt với một số hệ lụy của sự phát triển “nóng” như quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường, sự phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực… Mong rằng, những hạn chế trên sẽ dần được khắc phục để Thủ đô Hà Nội thật sự là mảnh đất lý tưởng không chỉ cho những ước mơ và hy vọng, mà còn cho đời sống hiện thực của mỗi người dân hôm nay.