Phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Thời gian qua, nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội bị ngập lụt kéo dài, gây mất vệ sinh môi trường và phát sinh nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tiêu chảy... Ngành Y tế thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh sau thời gian mưa lũ.
Cán bộ các trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường tại hộ gia đình.
Cán bộ các trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường tại hộ gia đình.

Do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Tích dâng cao, lên mức báo động 3 khiến nhiều hộ dân ở phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) bị ngập sâu. Mới đây, thị xã Sơn Tây ghi nhận một ổ dịch sốt xuất huyết tại Tổ dân phố 7, phường Ngô Quyền. Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây phối hợp phường Ngô Quyền đã nhanh chóng xử lý ổ dịch, hạn chế dịch bùng phát tại địa phương: tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi cho 250 hộ dân, một khu đất trống; một trường học và một địa điểm công cộng.

Dịp này phường Ngô Quyền cũng ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau thời gian mưa bão. Với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó, chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và người dân trên địa bàn phường tập trung, tích cực tham gia vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trạm Y tế phường Ngô Quyền phối hợp chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân xử lý các ổ bọ gậy, dụng cụ chứa nước…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố xuất hiện 449 điểm ngập úng tại 27 quận, huyện, 184 xã, phường. Ngành Y tế Hà Nội chỉ đạo tập trung nguồn lực vệ sinh môi trường, xử lý môi trường cho hàng chục nghìn hộ gia đình bị ngập. Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập. Các trung tâm y tế cũng đã cấp 5.450 kg Cloramin B, 620 kg vôi bột, 30,4 kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, ngập lụt sau bão theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Đồng thời, tổ chức thu gom xử lý xác động vật phát sinh các bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ, nhất là tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, ổn định đời sống người dân. Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa mưa bão, ngập lụt với nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình bị ngập, phát tờ rơi, phát thanh hằng ngày…

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với khu vực ngập lụt do mưa lũ. Đại diện CDC Hà Nội nhấn mạnh, sau mưa lũ kéo dài, các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn… dễ xảy ra nếu không được vệ sinh và kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, hiện đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết (tháng 9 đến tháng 11). Điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Để chia sẻ khó khăn cùng người dân vùng lũ, nhất là tại các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức…, Sở Y tế Hà Nội đã cử các đoàn công tác đến thăm, tặng người dân vùng bị ngập lụt, mưa lũ một số loại thuốc thiết yếu điều trị bệnh về mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, các trung tâm y tế bố trí nhân lực thường trực và hỗ trợ cho người dân vùng bị ngập lụt; tiếp tục chủ động các điều kiện bảo đảm việc khám chữa bệnh, sơ cấp cứu người bệnh; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh thường gặp sau mưa lũ, hướng dẫn vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước để phòng chống dịch bệnh.