Ký ức hào hùng của những chiến sĩ tiếp quản Thủ đô

Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) với mỗi người dân Hà Nội đều thật ý nghĩa. Nhưng với những người lính từng tham gia tiếp quản Thủ đô, cảm xúc lại càng đặc biệt, nhất là khi được chứng kiến những đổi thay của thành phố sau 70 năm xây dựng, phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Đại tá Dương Niết kể lại những giây phút hào hùng ngày tiếp quản Thủ đô với Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai (bên trái).
Đại tá Dương Niết kể lại những giây phút hào hùng ngày tiếp quản Thủ đô với Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai (bên trái).

Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) nhớ lại, trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến nhiều chiến sĩ đã không cầm được nước mắt, viết lên bức tường dòng chữ “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”, “Tạm biệt nhé Hà Nội, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về”. Và chúng tôi đã trở về.

“Ngày tiếp quản Thủ đô, xe của tôi là xe tiến vào thứ ba, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng; đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua các tuyến phố Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, hồ Hoàn Kiếm… Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón của hàng vạn người dân mà xúc động vô cùng. Các nữ sinh trường Trưng Vương ùa ra đón, tặng hoa, ôm lấy những người lính, khiến chúng tôi càng thêm xúc động… Đó là phút giây hạnh phúc mà tôi không thể nào quên”, Đại tá Bùi Gia Tuệ bồi hồi nhớ.

Trưởng ban Liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô Nguyễn Văn Khang kể: “Lúc đó, chúng tôi được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, gần 400 người, có nhiệm vụ về Hà Nội trước, từ khoảng ngày 3 đến 6/10/1954. Chúng tôi làm nhiệm vụ tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, do thông tin xuyên tạc, lôi kéo của địch, người dân vùng tạm chiếm và quân kháng chiến có những điều không hiểu nhau, cho nên nhiệm vụ của chúng tôi là vận động, tuyên truyền, tiếp xúc với người dân để mọi người thông suốt”.

Khi tiếp quản, cùng với việc tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ ta, gần 400 thanh niên hằng ngày đi gặp gỡ từng người dân, từng hộ gia đình, trong đó có công chức làm việc cho bộ máy chính quyền Pháp, và cả các nhà tư sản, tiểu thương… Nhiều khi đến nhà mà chủ nhà không mở cửa, nhưng ai cũng kiên trì. “Có người thắc mắc hỏi chúng tôi: Phụ nữ có được mặc áo dài không? Có được tiếp tục buôn bán không? Lương có bị thay đổi không? Có bị trả thù không?… Chúng tôi trả lời, Chính phủ sẽ duy trì cuộc sống như trước đây, cuộc sống không có gì thay đổi, xáo trộn. Sự giải thích kiên trì của chúng tôi đã làm yên lòng những người đang sống ở Hà Nội lúc đó. Đây là việc làm sáng suốt của Chính phủ để người dân hiểu hơn về Đoàn quân khi tiếp quản Hà Nội”, ông Khang kể và cho biết thêm, ngoài việc giải thích chính sách của Chính phủ, đội của ông còn có nhiệm vụ dạy thanh niên, thiếu nhi hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội trở về vào ngày 10/10/1954.

Còn Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng Bộ binh thuộc Đại đội 269 - Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308) cho biết, thời điểm đó có quá nhiều cảm xúc. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, không khí khác hoàn toàn. Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật, nay bước sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên là vui mừng khôn xiết khi cả miền bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn. “Chúng tôi đều rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Hầu hết chúng tôi là thanh niên xuất thân từ nông thôn, nên không biết Hà Nội trông như thế nào. Đi qua đường phố, tất cả chúng tôi ngắm nhìn mọi thứ với tâm trạng háo hức, lạ lẫm. Bên cạnh đó là cảm xúc mong mỏi được về thăm quê hương. Suốt những năm kháng chiến, chúng tôi không có một lá thư về cho gia đình”, Đại tá Nguyễn Thụ cho biết.

Với Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Tổ trưởng tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không-Không quân), những ký ức hào hùng mà đầy xúc động vẫn tươi mới như ngày hôm qua.

Đại tá Dương Niết kể lại, đầu tháng 10/1954, Ðại đoàn 308 tập kết tại Phùng (nay thuộc huyện Ðan Phượng, Hà Nội) và được lệnh vào tiếp quản các vị trí thực dân Pháp đóng quân, để bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đón đại quân chiến thắng trở về. Từ Phùng, sang Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ; tại đây, cả Đại đoàn được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đêm ấy hành quân về làng Vân, phía bắc cầu Đuống, các chiến sĩ được người dân đón tiếp rất nồng hậu. “Vào chiều 7/10, lúc anh nuôi chuẩn bị nấu cơm thì các bà, các chị mang gà, gạo, rau để đưa cho bộ đội ăn. Anh nuôi có giải thích là bộ đội không được nhận nhưng các bà, các chị vẫn cứ nấu cơm và mời bộ đội. Bữa cơm xúc động ấy, chúng tôi còn ghi nhớ mãi và không bao giờ quên”, Đại tá Dương Niết xúc động nhớ lại.

Các chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô 70 năm trước nay mái đầu đã bạc trắng. Các ông, các bác càng xúc động hơn khi chứng kiến Hà Nội phát triển không ngừng, văn minh, hiện đại hơn, tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng cho Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng.