Tăng hiệu quả giám sát khi thực thi Luật Thủ đô

Theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024 về tổ chức chính quyền đô thị, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có thêm hơn 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Luật cũng quy định việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Các quy định mới sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố làm việc tại huyện Đông Anh (Hà Nội) về quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập.
Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố làm việc tại huyện Đông Anh (Hà Nội) về quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập.

Theo Luật Thủ đô năm 2024, bên cạnh những điểm mới về tổ chức bộ máy, số lượng đại biểu, số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân, còn có nội dung mới quy định về bộ phận chuyên trách của các ban của Hội đồng nhân dân thành phố. Theo quy định tại Điều 9 của Luật, thành phố được bầu 125 đại biểu hội đồng nhân dân. Số lượng đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách chiếm ít nhất 25% tổng số đại biểu hội đồng nhân dân. Điều 11 quy định, Hội đồng nhân dân “thành phố thuộc thành phố” có hai phó chủ tịch hội đồng nhân dân và tổng số đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không quá chín người.

Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, trên cơ sở quy định của Luật, dự kiến sẽ có 32 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách. Đây là cơ hội rất lớn cho Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện đổi mới trong hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách, đặc biệt là hoạt động giám sát cho nhiệm kỳ 2026-2031.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được đưa ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) rất cởi mở và đột phá. Vấn đề quan trọng là phải có những bộ máy, con người thật sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực thi những quyền năng, nhiệm vụ mà Luật đã trao cho.

Về hoạt động giám sát của chính quyền đô thị, Tiến sĩ Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho biết, tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức chính quyền đô thị của từng địa phương đã có các điều khoản quy định về hoạt động giám sát ở cấp tổ chức chính quyền đặc thù. Cụ thể Điểm d, Khoản 3, Điều 11, Luật Thủ đô năm 2024 quy định, hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân, giám sát hoạt động của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân phường.

Thực tế tại Hà Nội, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố trong những năm qua được cử tri, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đánh giá rất cao về những thay đổi liên quan chất lượng, hiệu quả, việc bám sát tình hình thực tế của cuộc sống cũng như các quy định pháp luật. Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri, nhân dân quan tâm.

Hiệu quả của công tác giám sát có thể thấy rõ ở các cuộc giám sát gần đây như: Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp học tại một số địa bàn; giải quyết chỗ đỗ xe tại khu vực trung tâm; đầu tư hạ tầng giao thông; chất lượng công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập… Cùng với sự đổi mới trong công tác giám sát, những vấn đề được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lựa chọn để giám sát, chất vấn ngày càng “nóng” hơn, sát hơn với những vấn đề bất cập, hạn chế của quá trình phát triển đô thị, chuyển tải nguyện vọng của cử tri.

Mới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐND về thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố. Nội dung của chuyên đề giám sát đã theo sát với chỉ đạo của Trung ương, định hướng của Luật Thủ đô năm 2024 cũng như hai đồ án quy hoạch quan trọng mà Hà Nội đang hoàn thiện những công đoạn cuối để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xác định công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hội đồng nhân dân thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm sáng tạo của một số tỉnh, thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để liên tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát.

Luật Thủ đô năm 2024 được thông qua với chín nhóm cơ chế, chính sách, đặc biệt đã chính thức luật hóa mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội; tăng thẩm quyền cho hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân; quy định bổ sung thẩm quyền của thường trực hội đồng nhân dân; tăng số lượng đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu chuyên trách...

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, triển khai Luật Thủ đô năm 2024, công tác giám sát của hội đồng nhân dân các cấp cũng sẽ có những thay đổi phù hợp để đáp ứng yêu cầu mới về thẩm quyền gắn liền với trách nhiệm của hội đồng nhân dân các cấp theo mô hình chính quyền đô thị với những đặc thù riêng của Thủ đô. Tất cả những thay đổi đều tiếp tục bám sát các tiêu chí: Thực chất, cụ thể, rõ hiệu quả, rõ địa chỉ, “gọi tên” được những tác động của từng nội dung giám sát, chất vấn, tái giám sát và tái chất vấn.