Đẩy mạnh xử lý vi phạm qua giám sát hành trình

Tất cả các xe ô-tô kinh doanh vận tải đều đã lắp camera giám sát hành trình, tuy nhiên việc xử lý vi phạm qua hệ thống này còn rất hạn chế. Để nâng cao hiệu lực quản lý, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng tại Hà Nội coi hệ thống camera giám sát hành trình là cơ sở quan trọng để xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng của Hà Nội sẽ thực hiện xử phạt qua hệ thống camera giám sát hành trình.
Lực lượng chức năng của Hà Nội sẽ thực hiện xử phạt qua hệ thống camera giám sát hành trình.

Ngày 7/6, Đội Thanh tra cơ động (Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội) kiểm tra xe khách trên đường Đỗ Mười (quận Hoàng Mai). Xe khách BKS 18B-009.92 chạy tuyến Hà Nội-Ý Yên (Nam Định) bị xử phạt các lỗi: Tài xế không sử dụng thẻ nhận dạng lái xe (thẻ GPS) để đăng nhập thông tin vào Hệ thống giám sát hành trình theo quy định; doanh nghiệp không niêm yết điểm đầu, điểm cuối trên xe.

Ông Cao Đình Kim Anh, Đội trưởng Đội Thanh tra cơ động cho biết, việc sử dụng thẻ GPS để đăng nhập vào Hệ thống giám sát hành trình là cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và tổng thời gian làm việc trong ngày của tài xế. Điều này liên quan trực tiếp đến sức khỏe, điều kiện làm việc của lái xe, ảnh hưởng rất lớn điều kiện an toàn khi lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thông qua dữ liệu GPS, lộ trình, hoạt động của xe sẽ được giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm.

Năm tháng đầu năm 2024, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính 209 trường hợp; xử phạt gần 12 tỷ đồng, tước 64 giấy phép lái xe, 141 phù hiệu kinh doanh vận tải. Trong đó, thông qua dữ liệu GPS đã xử phạt 118 trường hợp bao gồm cả xe khách liên tỉnh, xe ta-xi, xe hợp đồng, du lịch. Ngoài ra, thông qua kết quả giám sát dữ liệu thu được từ Hệ thống GPS của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phát hiện 24 trường hợp xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định.

Theo lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, thông qua việc kiểm tra hành trình vận chuyển trên Hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan chức năng đối với các vị trí đón, trả khách được ghi trên hợp đồng vận chuyển để xác định tài xế, doanh nghiệp kinh doanh vận tải có vi phạm hay không. Hà Nội là địa phương đầu tiên xử phạt vi phạm của xe khách trá hình thông qua đối chiếu dữ liệu thu được từ thiết bị GPS. Cách làm này giúp xác định xe hợp đồng hoạt động với hành trình cố định, thời gian cố định (hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định), từ đó góp phần dần loại bỏ tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Ngoài xe khách trá hình, xe ta-xi đăng ký ngoại tỉnh về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ được tăng cường kiểm tra. Thông qua dữ liệu GPS, lộ trình, hoạt động của các xe này sẽ được giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm.

Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT cho biết, một trong những bất cập hiện nay là việc theo dõi dữ liệu GPS do Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp khá khó khăn do hệ thống chạy rất chậm. Với số lượng hàng chục nghìn xe hợp đồng, để thu thập và thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm quy định về lộ trình mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, với lỗi vi phạm không truyền dữ liệu GPS, doanh nghiệp và lái xe thường viện dẫn rất nhiều lý do để phản ứng, gây cản trở công tác xử lý vi phạm, như báo hỏng liên tục, hoặc mượn cớ xe không vận hành, GPS không hoạt động. Thiếu dữ liệu GPS khiến việc theo dõi, thống kê lộ trình, thời gian hoạt động của xe hợp đồng không đầy đủ, dẫn đến thiếu căn cứ xử phạt.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đối với hình thức giám sát, xử phạt qua dữ liệu GPS, trước mắt Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, về lâu dài Bộ Giao thông vận tải cần có những cải thiện về hệ thống kỹ thuật để thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác hơn nữa; điều chỉnh những quy định còn bất cập, lấp mọi lỗ hổng trong luật mà xe khách trá hình có thể lợi dụng, ví như quy định về điểm đầu, điểm cuối.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tăng cường phạt nguội từ giám sát hành trình đối với các phương tiện chạy quá tốc độ. Vừa qua, thông qua trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 3.856 phù hiệu, biển hiệu của các phương tiện vi phạm tốc độ, trong đó có những phương tiện vi phạm hàng trăm lần chỉ trong một tháng. Nhưng quy định thu hồi phù hiệu không có tính răn đe với doanh nghiệp có xe vi phạm tốc độ vì không quy định thời gian, thời hạn thu hồi, cho nên doanh nghiệp có xe vi phạm có thể chuyển loại hình kinh doanh để xin cấp lại phù hiệu. Hiện tại, việc xử lý xe vi phạm, trong đó có vi phạm tốc độ chỉ thu hồi phù hiệu từ một đến hai tháng; chưa có chế tài đối với doanh nghiệp, cá nhân có xe vi phạm không nộp phù hiệu.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trong các cuộc họp vừa qua, đơn vị cũng đã nêu ý kiến cần phải thực hiện quy định chuyển danh sách xe vi phạm qua GPS cho cảnh sát giao thông xử phạt nguội. Các xe không nộp phạt thì chuyển sang cơ quan đăng kiểm để từ chối đăng kiểm như đang áp dụng với xe ô-tô cá nhân, có như vậy mới bảo đảm tính răn đe, cũng như phát huy hiệu quả hơn những tiện ích của hệ thống giám sát hành trình.