Trong khi đó, tại một số quận, huyện, việc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu đề ra. Hiện thành phố đang đẩy mạnh công tác dự báo, tuyên truyền nhằm phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả.
Tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, các ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện từ tháng 5/2023. Ông Nguyễn Doãn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Phùng Xá cho biết, mặc dù các ổ dịch đã được khoanh vùng xử lý, tổ chức tổng vệ sinh môi trường; người dân được tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch; đồng thời, lực lượng y tế điều tra, giám sát bệnh nhân phát hiện sớm ca bệnh thứ phát…
Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn cao do xã là làng nghề, có nhiều phế liệu, phế thải.
Tại huyện Phú Xuyên, tính đến ngày 2/8, huyện đã ghi nhận 153 ca mắc sốt xuất huyết và 5 ổ dịch ở 20 xã, thị trấn. Qua giám sát tại các hộ gia đình có ca mắc cho thấy, vườn rộng, nhiều phế thải, phế liệu là các dụng cụ chứa nước có bọ gậy... là nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, mật độ dân cư cao, người dân vẫn thờ ơ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đơn giản như phòng tránh muỗi đốt...
Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện cũng cho thấy, thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện tăng lên đáng kể. Từ tháng 5, tháng 6, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó có những trường hợp biến chứng nặng như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, hạ tiểu cầu.
Do đầu vụ dịch, nhiều người khi bị sốt cho rằng mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, cho nên khi bệnh trở nặng thì mới đến bệnh viện. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu,…
Tại phòng khám Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E), từ tháng 7, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 20 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có không ít phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền.
Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị; trong đó, hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo. Đáng nói, nhiều trẻ trong số này mắc bệnh trở lại.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 4/8, thành phố đã ghi nhận 2.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 408 xã, phường, thị trấn (chiếm 70,5% số xã, phường, thị trấn).
Đáng lo ngại là khoảng một tháng gần đây, số ca mắc tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp; tăng 4,3 lần so với trung bình các tuần trước.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Thạch Thất đứng đầu với 483 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (231 ca), Bắc Từ Liêm (219 ca), Thanh Trì (182 ca), Hà Đông (161 ca), Phú Xuyên (152 ca), Nam Từ Liêm (129 ca), Thường Tín (124 ca)... Thành phố đã ghi nhận 198 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã và 111 xã, phường, thị trấn. Hiện tại còn 110 ổ dịch đang hoạt động.
Giờ đang là mùa mưa, thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Do đó, biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là người dân cần tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ hoàn toàn các dụng cụ chứa nước, môi trường thuận lợi để cho muỗi đẻ trứng… Tuy nhiên, tại một số quận, huyện, việc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu đề ra như: Thanh Trì (tỷ lệ 29%), Cầu Giấy (29%), Hoàn Kiếm (40%), Tây Hồ (40%), Thường Tín (46%), Phúc Thọ (47%)…
Theo nhận định của CDC Hà Nội, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang gặp khó khăn do một số đơn vị hiện tại chưa mua sắm được hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy. Thêm vào đó, việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy còn nhiều khó khăn. Người dân chưa chủ động trong hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình mình…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố gia tăng trong bối cảnh chung của tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam.
Để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, cần huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Triển khai công tác phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” đồng bộ hiệu quả, hạn chế thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra.
“Người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết, vì ai cũng có thể mắc bệnh từ người già, trẻ nhỏ hay thanh niên… Sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.